Bên lề Đại hội, các đại biểu bày tỏ hy vọng và nhấn mạnh các mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở; mong muốn xây dựng các chiến lược phát triển mới căn cứ vào tình hình thực tiễn, tiềm năng, lợi thế của quốc gia, xây dựng và phát triển kinh tế từng vùng, để đáp ứng được mỗi vùng có những động lực phát triển kinh tế riêng.
Cụ thể hóa chiến lược phát triển đất nước gắn với động lực phát triển từng vùng, từng địa phương
Theo đại biểu Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, đây là một mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng hết sức sâu sắc.
"Sâu sắc ở chỗ, Đại hội lần này không những đánh giá kết quả của Đại hội XII, mà còn đánh giá kết quả thực hiện 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng. Chính vì vậy, trên cơ sở đó, Đảng ta xác định mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2025, đồng thời xác định cả mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Như vậy, nội dung của Văn kiện có tính bao trùm, mở rộng, không những trong một nhiệm kỳ mà cho cả nhiều nhiệm kỳ sau - một định hướng rất lớn vì sự phát triển phồn vinh của đất nước của chúng ta" - ông Trần Hồng Quảng cho biết.
Nhấn mạnh những đổi mới của Đại hội, đại biểu Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Lào Cai đánh giá, hiện nay, nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 là rất khó khăn. Với mục tiêu đến 2030, cũng như năm 2045, đây là mục tiêu rất kỳ vọng vào Đại hội.
Theo đánh giá của đại biểu Dương Đức Huy, hiện nay, nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 là rất khó khăn.
"Tuy nhiên, chúng tôi rất kỳ vọng, bởi vì chúng ta sẽ có chiến lược từ Nghị quyết Đại hội. Chúng ta sẽ xây dựng một chiến lược phát triển mới căn cứ vào tình hình thực tiễn và đặc biệt là tiềm năng, lợi thế của quốc gia; từ đó, xây dựng và phát triển kinh tế từng vùng, để đáp ứng được mỗi vùng có những động lực phát triển kinh tế riêng. Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh và những mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được" - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Lào Cai nêu ý kiến.
Lấy người dân làm nền tảng của phát triển
Về mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mốc thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đại biểu Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở.
Từ thực tiễn Quảng Ninh, đại biểu Cao Tường Huy cho biết, tỉnh đã huy động được nguồn lực rất lớn trong 5 năm qua, với trên 46.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: sân bay, đường cao tốc, cảng biển, trong đó, Nhà nước chỉ tham gia hơn 5.000 tỷ đồng.
"Điều đó có nghĩa rằng, một đồng Nhà nước bỏ ra đầu tư, địa phương đã huy động được từ 8 đến 9 đồng nguồn lực ngoài nhà nước. Đây là nguồn lực rất to lớn mà chúng ta cần phải huy động trong thời gian tới để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông" - ông Cao Tường Huy phân tích.
Vấn đề thứ 2 mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh là lấy dân làm gốc. "Dân làm gốc, chúng ta sẽ làm được tất cả. Chẳng hạn ở Quảng Ninh, chúng tôi giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái với chiều dài trên 80km, số hộ dân bị ảnh hưởng là gần 1.200 hộ, diện tích chiếm đất là trên 200 ha, nhưng chỉ thực hiện trong vòng 15 ngày. Đó là vì nhân dân tin tưởng. Đó là vì niềm tin của người dân đối với Đảng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Tạo niềm tin và lấy được niềm tin của dân, việc khó cũng thành công" - đại biểu Cao Tường Huy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh các dự thảo báo cáo, văn kiện trình Đại hội đã được chuẩn bị rất công phu và chất lượng, có sự đổi mới và thể hiện rõ quan điểm đổi mới, khơi dậy khát vọng phát triển của đất nước. Những định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã có sự kế thừa, phát triển để phù hợp với giai đoạn lịch sử mới.
"Chúng tôi thấy rằng, từ các cơ sở định hướng này sẽ là cơ sở rất quan trọng cho các địa phương triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ từng địa phương, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII" - bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.