Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng
Đại biểu Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại và thoát khỏi thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 trở thành một nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 đất nước có nền kinh tế phát triển và có thu nhập cao... là mục tiêu nhiều khả quan.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, trong mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, Đảng ta đã đưa ra những đường hướng lãnh đạo cụ thể. “Qua tiếp cận các báo cáo chính trị, chiều 26/1, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương đã thảo luận khá sôi nổi, đề cập đến các vấn đề mà Đại hội quan tâm; trong đó chúng tôi quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế vùng các tỉnh Đông Nam Bộ”, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao cho hay.
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, phát triển khá cao và cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước. “Trong văn kiện mới chỉ đề cập đến phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển công nghiệp đô thị Mộc Bài (Tây Ninh), phát triển cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Trong khi đó Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, hàng năm lượng hàng xuất nhập khẩu lên đến gần 50 tỷ USD, chiếm gần 10% so với cả nước (cả nước khoảng 540 tỷ USD)”, đồng chí Nguyễn Hoàng Thao nêu ý kiến.
"Như vậy trong quá trình phát triển, vấn đề vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là rất quan trọng. Đề nghị Trung ương xem xét, quan tâm vấn đề phát triển kinh tế hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt trong tương lai để vận chuyển hàng hóa ở Bình Dương; tạo động lực cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ phát triển, trong đó có Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…", đồng chí Nguyễn Hoàng Thao đề xuất.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Thao, tỉnh Bình Dương có chủ trương và quan điểm: Tất cả các thành phần kinh tế đều công bằng trong việc đầu tư phát triển và kinh doanh trên địa bàn. Do đó Bình Dương luôn tạo hành lang pháp lý và cải cách hành chính công một cách thuận lợi nhất để mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục làm ăn, sinh sống và thành công trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong văn kiện Đại hội, đặc biệt là mục tiêu tổng quát đã đề cập rất rõ về việc tạo điều kiện để các cá nhân, các thành phần kinh tế chủ động, sáng tạo và đóng góp sức lực, tâm huyết và kể cả của cải vật chất để phát triển đất nước.
Khai thác các tiềm năng, thế mạnh kinh tế vùng Tây Nguyên
Đại biểu Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Nếu nhìn lại trước thời kỳ đổi mới thì Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất của thế giới. “Nhưng đến nay, sau 35 năm chúng ta thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước phát triển trung bình và hiện tại chúng ta đang nằm trong nhóm 4 nước đứng đầu của khu vực Đông Nam Á. Đây là thành tựu hết sức ấn tượng”, đại biểu Võ Ngọc Thành cho biết.
Cũng theo đại biểu Võ Ngọc Thành, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình, đó là chưa bao giờ đất nước chúng ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
“Để đạt được điều này là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có đường lối sáng tạo và linh hoạt trong từng thời kỳ, gắn với thực tiễn phát triển đất nước và có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng đất nước”, đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.
Để có cơ đồ ngày hôm nay, rõ ràng là cương lĩnh xây dựng đất nước và đường lối của Đảng, Nhà nước đúng và rất sáng tạo trong từng thời kỳ. Đặc biệt là năm 2020, khi cả thế giới vật lộn với đại dịch COVID-19 và trong khi rất nhiều quốc gia tăng trưởng âm cùng với viễn cảnh rất khó khăn phía trước thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế, với mức tăng gần 3%. Đây là những thành tựu không thể diễn tả hết được.
“Với tỉnh Gia Lai, tôi cho rằng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Gia Lai đã có những bứt phá, đặc biệt là đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao”, đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.
Theo ông Thành, về công nghiệp chế biến và về năng lượng tái tạo, trong khoảng 5 năm tới Gia Lai sẽ có sự bứt phá tốt hơn rất nhiều so với hiện nay. Những tiềm năng về du lịch và các đột phá trong việc xây dựng hạ tầng sẽ được thể chế hóa và sẽ được xây dựng đồng bộ trong 5 năm tới. “Tôi cho rằng như thế sẽ tạo ra một cú hích lớn hơn cho sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ hơn của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung”, đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.
Tâm nguyện của nhiều đại biểu mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ có nhiều quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, tốt hơn nữa để phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, kinh tế vùng Tây Nguyên nối với Duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia..., phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn ở khu vực, một sự trỗi dậy và phát triển lớn mạnh.
Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược. Đó không chỉ là tầm nhìn một nhiệm kỳ mà còn là tầm nhìn xa hơn nữa trong giai đoạn phát triển đất nước.