Báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước trong phiên khai mạc Kỳ họp
thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc
nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và thành thật nhận
lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, khuyết điểm của
Chính phủ trong lãnh đạo quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm
trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà
nước….
Bên lề Quốc hội, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng rất xúc động và
bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Báo Tin tức đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội
Dương Trung Quốc (ảnh).
Với tư cách là đại biểu
Quốc hội, ông có hài lòng về phát biểu của đồng chí Thủ tướng nghiêm túc nhận
trách nhiệm về cách điều hành của Chính phủ?
Tôi nghĩ lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là hiệu
ứng tích cực tiếp theo Kết luận của Hội nghị Trung ướng 4. Tôi nói ở đây là
theo số đông người dân, bởi Kết luận Hội nghị Trung ương vẫn có những phần chưa
rõ ràng thì tại kỳ họp Quốc hội lần này đã rõ ràng với phần Thủ tướng nhận
trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân là một cán bộ cao cấp của Đảng và là người
đứng đầu Chính phủ làm cho sáng tỏ vấn đề mà Hội nghị Trung ương vừa đưa ra.
Ví
dụ Hội nghị Trung ương 6 nói là một đồng chí thì một đồng chí đó là ai? Bây giờ
thì rõ rồi và rõ ràng thái độ rất thành khẩn của Thủ tướng có thể phần nào làm
an lòng dân và nhất là cùng với đó là những giải pháp thể hiện tính quyết tâm
sửa chữa, quyết tâm khắc phục và hướng tới sự phát triển.
Nhưng có lẽ tâm lý
người dân cũng đã được nghe nhiều lời hứa, nhiều lời nhận khuyết điểm của các
thành viên Chính phủ nhưng đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ nhận khuyết
điểm trước Quốc hội về trách nhiệm của mình và của Chính phủ. Tôi cũng mong
rằng lời hứa ấy, quyết tâm ấy sẽ trở thành hiện thực, nhất là chúng ta ý thức
được rằng nền kinh tế của chúng ta đang đứng trước những khó khăn.
Thưa ông, đây cũng là lần
đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín
nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê
chuẩn. Việc đó có ý nghĩa như thế nào?
Việc này hoàn toàn thực thi những điều mà Hiến pháp đã quy định. Có
thể nói Nghị quyết này của Quốc hội sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân,
nhưng để thực thi được thì băn khoăn nhất của tôi không nằm ở phía những vấn đề
thủ tục, mà về phía chất lượng của chính các đại biểu Quốc hội. Cử tri luôn
quan tâm người đại biểu có thật khách quan, có đủ năng lực và đưa ra những
quyết định phù hợp với lòng dân hay không?
Trong khi đó, với cách bỏ phiếu kín
rất có thể người dân không giám sát được vị đại biểu Quốc hội mà mình bầu ra có
một thái độ như thế nào. Tôi thấy ở nhiều nước, một trong những yếu tố mà người
dân quan tâm bên cạnh Quốc hội hoặc tổ chức dân cử giám sát bộ máy hành pháp
thì còn có điều kiện để họ giám sát ngay chính đại biểu Quốc hội. Qua đó họ có
tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm ở kỳ sau. Đây là điều mà tôi cho là hết
sức quan trọng.