Sáng 6/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với những nội dung giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội…
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri tại Bình Dương. Các cử tri nhận xét trong buổi chất vấn, các đại biểu đã đưa ra những câu hỏi trúng với thực tế và được Bộ trưởng giải đáp, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đối với những vấn đề đang được cử tri, người dân quan tâm.
Cử tri Hoàng Trung, người điều hành doanh nghiệp nhỏ tại Bình Dương có cùng quan điểm với câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) về vấn đề làm rõ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới. Khi nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về việc đưa ra 5 nhóm giải pháp như mở chương trình đào tạo tại các trường đại học, có kế hoạch bài bản để đào tạo bổ sung lực lượng nguồn nhân lực về phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn đang thiếu.
Ông Hoàng Trung bày tỏ hy vọng tiến trình các giải pháp như Bộ trưởng nêu sẽ nhanh chóng được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống, nhất là tại "thủ phủ" công nghiệp như Bình Dương đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực cao tại các nhà máy, xí nghiệp, những người có thể vận hành và xử lý các thiết bị máy móc hiện đại. "Việc có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tiết kiệm được chi phí cho các doanh nghiệp trong việc bồi dưỡng từ đầu cho các nhân viên tại công ty trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay" - cử tri nêu ý kiến.
Còn cử tri Nguyễn Văn Vẹn (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) bày tỏ quan tâm đến thông tin Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết về tình trạng rút bảo hiểm một lần đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.
Ông Vẹn hiểu rằng nguyên nhân của tình trạng này là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao. Tuy nhiên, ở những nơi có nhiều người lao động dân trí thấp, việc người dân hiểu về vấn đề này còn hạn chế. Theo đó, mong muốn của cử tri là Nhà nước hay các địa phương cần tuyên truyền về vấn đề này sát thực và hiệu quả để người tham gia bảo hiểm hiểu đầy đủ lợi ích của bảo hiểm là đảm bảo cuộc sống lúc về già, chứ không nên rút hết một lần. "Tôi cũng đồng tình với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng" - cử tri Nguyễn Văn Vẹn chia sẻ.
Cử tri Nguyễn Phước Tùng (ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một) nêu ý kiến về thực trạng tại tỉnh Bình Dương thời gian vừa qua có xảy ra nhiều vụ việc lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh, công nhân mất việc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đã lập trang mạng xã hội mạo danh Bảo hiểm Xã hội Bình Dương để rao mua bán sổ bảo hiểm xã hội. Đối tượng thu mua dụ người lao động đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được nhận tiền ngay. Số tiền công nhân lao động nhận sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cử tri Tùng mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có những quy chế siết chặt lại vấn đề rút bảo hiểm một lần để hạn chế rủi ro cho người tham gia bảo hiểm cũng như có hình thức xử phạt mạnh tay đối với những cá nhân vi phạm trong việc chiêu dụ công nhân đi rút bảo hiểm.