Cử tri đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em

Chiều 5/6, phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung về các nhóm vấn đề: Thực trạng thị trường lao động trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài; nâng cao chất lượng dạy nghề; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em... đã nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với phiên chất vấn, cử tri cho rằng các đại biểu đã nhìn thẳng vào vấn đề và tập trung đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn vào những giải pháp của Bộ trưởng xung quanh những vấn đề được nêu ra. Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến cử tri về phiên chất vấn này.

Hình phạt riêng thích đáng cho tội xâm hại trẻ em

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Lâm Đồng), phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi, phản ánh được những vấn đề mà cử tri rất quan tâm như vấn đề thất nghiệp của sinh viên khi ra trường, tình trạng xâm hại trẻ em... và đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng trước Quốc hội khi nêu ra một số giải pháp xử lý vấn đề khá cụ thể đối với tình trạng xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh, cần có một hình phạt riêng thích đáng đối với những trường hợp xâm hại trẻ em để răn đe loại tội phạm này.

Bày tỏ quan tâm về buổi chất vấn, ông Bon Yo Soan, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi. Vấn đề xâm hại trẻ em được nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Dung nhằm tìm ra một giải pháp ngăn chặn phù hợp. Ông Bon Yo Soan cũng đồng ý với giải pháp cần quy định rõ trách nhiệm của bộ ngành và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xã hội, gia đình mà Bộ trưởng đưa ra nhưng cho rằng cần có những giải pháp đặc thù để bảo vệ trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em miền núi bởi nhận thức của các em và gia đình về vấn đề này còn khá mới mẻ, thậm chí còn chưa có nhiều sự quan tâm của gia đình.

Cử tri Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khu 4B, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long cho rằng, vấn đề xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều vụ mà hầu hết là do người thân quen, hàng xóm và người trong gia đình. Vấn đề này cần phải được các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm của người thân trong gia đình cần có phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và trường học; tăng cường dịch vụ công phục vụ trẻ em; giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ cho trẻ em.

Giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em là vấn đề được nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh, tình trạng trên đang diễn biến phức tạp, đặc biệt có xu hướng gia tăng trong các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Theo bà Hải, để ngăn ngừa tình trạng này, cần chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện đồng bộ giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, duy trì, thực hiện tốt hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng đang triển khai tại các huyện, phát huy vai trò ban bảo vệ trẻ em cấp xã và cộng tác viên bảo vệ trẻ em khu dân cư, quản lý, theo dõi nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, đặc biệt nguy cơ xâm hại tình dục từ đó có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời…

Giải quyết việc làm cho người lao động trong và ngoài nước

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội, ông Đinh Trọng Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết: Cũng như nhiều địa phương khác, mỗi năm, tỉnh Phú Thọ có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng theo nhu cầu, song vẫn còn không ít học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.


Để khắc phục tình tình trạng này, Sở sẽ tham mưu cơ quan chức năng ban hành cơ chế, chính sách về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm của giới chủ, các hội nghề nghiệp vào hoạt động dạy nghề. Cùng với đó, ban hành danh mục ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo. Việc này có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động vì người lao động sẽ có ý thức hơn trong việc nâng cao tay nghề, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với người lao động. Sở cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận thực tập; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động sau đào tạo và thực hiện việc đặt hàng đào tạo đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Đối với tình trạng thanh niên thất nghiệp hàng năm với tỉ lệ cao, năm sau cao hơn năm trước, cử tri Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh nêu rõ, điều này cho thấy sự lãng phí cao trong vấn đề đào tạo và gây bất cập trong tổ chức, sắp xếp việc làm, do đó, cần phát triển nhiều doanh nghiệp để tạo môi trường làm việc cho thanh niên; xây dựng đề án sinh viên, thanh niên khởi nghiệp; tuyên truyền cho thanh niên không coi việc vào đại học là con đường duy nhất để có việc làm; nâng cao chất lượng các trường dạy nghề. Ngoài ra, các bộ ngành cùng chung tay giải quyết vấn đề này với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Về giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng: Cùng với đẩy mạnh giải quyết lao động trong nước, việc đưa lao động đi xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải phóng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo ở mỗi địa phương. 

Tại Phú Thọ nhiều gia đình có con, em, người thân đi xuất khẩu lao động đã có nguồn thu ngoại tệ lớn, từ nguồn vốn này họ thoát nghèo, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh buôn bán vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, tình trạng lao động xuất khẩu cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn lao động, vi phạm hợp đồng xảy ra còn nhiều tại các thị trường lao động đã làm ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động của địa phương. 

Do vậy, để phát triển xuất khẩu lao động theo hướng bền vững, cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước về xuất khẩu lao động; phân bổ, giao kế hoạch đưa lao động đi xuất khẩu ngay từ đầu năm cho từng địa phương; lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín về tuyển dụng lao động... Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của Trung ương và địa phương cũng như lồng ghép hiệu quả chính sách hỗ trợ việc làm để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động...

Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cần có quy trình điều tra thân thiện để nạn nhân tố cáo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Cần có quy trình điều tra thân thiện để nạn nhân tố cáo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là nội dung "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 5/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN