Tại đây, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và một số thành viên Chính phủ đã trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình, bà Nguyễn Diệu Linh, Giám đốc Công ty Thương mại Linh Thư, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra cởi mở. Đại biểu Quốc đặt câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hợp lý thời gian đặt câu hỏi (2 phút). Tại nghị trường, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là giá vàng miếng có sự chênh lệch giá rất cao giữa Việt Nam và thế giới. Đây là vấn đề người dân quan tâm, mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời thấu đáo.
Về phần trả lời, Bộ Trưởng, trưởng ngành đi thẳng vào vấn đề được chất vấn, không nói vòng vo, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm; những bất cập trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Riêng Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trả lời chất vấn tại Quốc hội rất tự tin và bình tĩnh. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành rất tốt phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với những câu hỏi hay, chủ tọa giải thích thêm, đồng thời yêu cầu người trả lời chất vấn giải đáp sâu.
Bà Nguyễn Diệu Linh cho biết: Việc tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn giúp cử tri cả nước thấy được những khó khăn, thách thức, bất cập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở nước ta. Cử tri cũng thấy được những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri Nguyễn Diệu Linh kiến nghị, lãi suất cho vay đang ở mức cao, cơ quan Trung ương cần đề ra các giải pháp nhằm giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ngân hàng, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do tiềm lực tài chính hạn chế, giá trị thương hiệu không cao, uy tín thấp nên doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Ngoài ra, cơ quan Trung ương cần khẩn trương đề ra các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, bởi hiện nay, giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng rất cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có giải pháp hiệu quả để hạn chế biến động của giá vàng, đặc biệt là tình trạng giá vàng miếng SJC chênh lệch quá cao so với các thương hiệu vàng khác và so với thế giới.
Anh Trần Văn Hiến, công nhân đang làm việc tại Tập đoàn Phong Thái, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, hiện Nhà nước đã có các gói cho vay mua, sửa chữa nhà đối với công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, thông tin về các gói tín dụng này rất ít, thủ tục, điều kiện vay rườm rà, người lao động khó tiếp cận vốn. Cơ quan Trung ương cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết về việc cho vay mua nhà đối với người thu nhập thấp, công nhân lao động, đơn giản thủ tục, điều kiện vay.
Theo cử tri Trần Văn Hiến, công nhân do thu nhập thấp, gặp khó khăn trong cuộc sống nên nhiều người vướng vào “tín dụng đen”, phải chấp nhận vay với lãi suất rất cao. Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là công nhân lao động tiếp cận vốn ngân hàng với những khoản cho vay nhỏ.
Cử tri Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Thiên Triều An, địa chỉ khu phố 1, phường An Bình, thành phố Biên Hòa đánh giá cao các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội và các tranh luận trả lời của Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về rất nhiều vấn đề vi mô và vĩ mô, các vấn đề liên quan trực tiếp đến xã hội, đến các doanh nghiệp, người dân, các vùng sâu vùng xa.
Cử tri Đặng Trần Hoàng Thụy cho rằng những gói hỗ trợ khoanh vùng nợ xấu, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân của Ngân hàng Nhà Nước thực sự chưa phát huy được hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như với người dân bởi còn rất nhiều bất cập về thủ tục giấy tờ, điều kiện... mới được tiếp cận các gói hỗ trợ này.
Là chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Nai, cử tri này kiến nghị Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi ban hành các gói hỗ trợ trên nên xem xét nhiều đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đối với người dân để có cơ chế phù hợp, đơn giản, linh động, thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân trong giai đoạn khó khăn sau đại dịch cũng như trong giai đoạn vật giá leo thang.