Hạ tầng giao thông phát triển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tại Nghệ An, nhiều cử tri cho rằng những năm gần đây, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, thắt chặt đầu tư công và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ngành Giao thông vận tải của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của ngành. Rõ nhất, đó là hạ tầng giao thông phát triển mạnh nhờ tỉnh và ngành Giao thông Vận tải có nhiều đổi mới, vận dụng linh hoạt các cơ chế, tranh thủ được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương để thu hút các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông. Mặt khác, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được ngành Giao thông vận tải tỉnh chú trọng. Các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được ngành tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.
Nhìn nhận ở góc độ địa phương và theo dõi trên báo chí, cử tri Trần Anh (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho rằng, nếu hạ tầng giao thông chậm được quan tâm đầu tư sẽ khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Minh họa trên một lĩnh vực cụ thể là đầu tư hạ tầng giao thông, cử tri này cho rằng, trong những năm gần đây, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An đã sáng tạo, vận dụng được các cơ chế, chính sách và tranh thủ được sự quan tâm của Trung ương, địa phương. Thành quả mà ngành Giao thông Vận tải tỉnh và các địa phương nỗ lực đem lại cho người dân đã được minh chứng là tại địa phương có thêm nhiều tuyến đường, cầu được nâng cấp hoặc xây dựng mới. Trên địa bàn tỉnh, một số dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc được triển khai thi công, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, như đường giao thông nối thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò giai đoạn 1, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, cầu Yên Xuân, đường ven biển, các tuyến đường huyết mạch nối các xã, các huyện ở miền núi…
Tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, kể cả ở miền núi, đường giao thông rải nhựa hoặc bê tông được mở rộng, làm mới, đã vươn đến tận nhà các hộ dân. Người dân đã thuận tiện hơn rất nhiều so với trước trong việc đi lại. Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, ngành Giao thông vận tải của tỉnh đã chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh vận tải, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, từng bước khôi phục hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án giao thông trọng điểm
Cử tri Ngô Văn Dũng công tác trong ngành Giao thông vận tải cho rằng, Nghệ An là một trong những địa phương trong cả nước có đầy đủ các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Điều đó cho thấy, so với các địa phương khác, ngoài khẳng định vai trò quan trọng hơn, ngành Giao thông vận tải tỉnh cũng có những khó khăn, phức tạp riêng.
Hiện nay, lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là nhiều tuyến đường giao thông, cầu đang xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm triển khai thi công, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội tại địa phương hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Một số điểm đen về tai nạn giao thông chậm có giải pháp để khắc phục triệt để; nhiều tuyến đường đang có nhu cầu được sữa chữa, nâng cấp, xây dựng mới...
Theo cử tri Ngô Văn Dũng, có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, trong đó có những nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trong giải phóng mặt bằng và những khó khăn khách quan khác, trong khi nguồn lực ngân sách địa phương có hạn.
Để giải quyết được những vấn đề trên đang là những khó khăn, thách thức cho địa phương cũng như ngành Giao thông Vận tải tỉnh; không chỉ một mình ngành Giao thông giải quyết được mà còn liên quan đến nhiều ngành, địa phương khác, thậm chí có những vấn đề liên quan đến cấp Trung ương. Trong đó, có những khó khăn liên quan đến những vướng mắc về cơ chế, chính sách, những phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi người dân khi giải phóng mặt bằng do "lịch sử" để lại mà việc tháo gỡ giải quyết không dễ dàng.
Tuy nhiên, trước những khó khăn trên, tỉnh Nghệ An cũng như ngành Giao thông vận tải và các địa phương luôn có nhiều nỗ lực, tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trong đó có việc rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện các dự án.
Đơn cử như đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; thẳng thắn phê bình Chủ tịch UBND các địa phương nếu không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh làm chậm tiến độ so với yêu cầu.