Tập trung cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Nhiều cử tri ở Nghệ An cho rằng, phiên thảo luận diễn ra thẳng thắn, dân chủ, giúp cử tri biết được thêm nhiều thông tin về tình hình đất nước. Cử tri cũng bày tỏ tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người dân.
Theo cử tri Lê Văn Hồng (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An): Năm 2018, kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương gặp nhiều khó khăn. Riêng tại Nghệ An, địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực tế tại Nghệ An, việc chỉ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp về chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn còn chậm, chưa vững chắc... Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất, tiêu thụ chậm. Hiệu quả xúc tiến đầu tư chưa cao, nhiều dự án thực hiện sau ký kết thỏa thuận đầu tư triển khai chậm. Công tác cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu...
Trước thực tế trên, cử tri Lê Văn Hồng kiến nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục đề ra những quyết sách mang tính đột phá, sát, đúng để đưa kinh tế - xã hội phát triển hơn nữa, khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, cần quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đồng thời công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và công khai minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ; quyết liệt hơn trong việc tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, bộ phận có nhiệm vụ tương đồng…
Tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân
Từ Cần Thơ, cử tri Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ, nêu ý kiến: Qua Báo cáo của Chính phủ, có thể thấy rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất mạnh. Riêng về ngành hàng lúa gạo, từ cuối năm 2016, ngành này đã có những bước tăng trưởng rất mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Bình, nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn ở điểm xuất phát thấp. Từ cơ sở hạ tầng cho tới các sản phẩm nói chung, hầu như so với thế giới vẫn ở điểm rất thấp. Đối với ngành hàng lúa gạo, chủ trương, mô hình của ta đã đúng, nhưng làm sao để mang lại giá trị gia tăng cao, các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ cũng đã xác định, nhưng đầu tư vào đây vẫn còn thiếu. Theo ông, đây là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội cần thảo luận cụ thể.
Cử tri Phạm Thái Bình cũng cho rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là đối với ngành hàng lúa gạo, mặc dù có dư địa tăng trưởng rất tốt, rất nhanh, nhưng chính vì chưa có phương pháp thực hiện, hoặc chưa kịp thời, chưa sát sao nên chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội.
Nếu ngành lúa gạo thay đổi theo đúng các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đưa ra là đầu tư giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng được mô hình liên kết theo chuỗi giá trị thì giá trị hạt gạo của Việt Nam sẽ tăng trưởng ngay trong năm 2019, 2020, chứ không cần phải chờ 5 hay 10 năm nữa. Ngành hàng lúa gạo là lĩnh vực ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ nông dân, mặc dù giá trị của ngành này không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD/năm, nhưng nếu chúng ta làm tốt có thể lên 4 tỷ USD và những năm sau lên 5 tỷ thậm chí 6 tỷ USD.
Cử tri Phạm Thái Bình nhấn mạnh: Quốc hội nên đặt vấn đề: Tại sao mô hình liên kết sản xuất của ngành lúa gạo tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt, cạnh tranh được với thế giới, nhưng lại không nhân rộng diện tích ra được. Quốc hội nên đặt vấn đề này với Chính phủ.
Còn cử tri Hoàng Văn Hùng ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, cho rằng: Tại Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân cả nước; mô hình giảm nghèo chưa nhiều, quy mô mô hình còn nhỏ, mức đầu tư thấp; nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít. Trong khi đó, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đang nổi lên rất nhiều vấn đề, như con em học xong ra trường thiếu việc làm; nước sạch sinh hoạt không đảm bảo; hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; năng lực của cán bộ cơ sở hạn chế…
Cử tri Hoàng Văn Hùng kiến nghị Trung ương và tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến vùng nông thôn, miền núi, bằng những việc làm, hành động cụ thể, rõ ràng, xử lý dứt điểm những bức xúc, kiến nghị chính đáng kéo dài nhiều năm của người dân.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống người dân
Qua theo dõi phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri Nguyễn Xuân Đức (Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc, đứng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ thống nhất cao với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Cử tri cho rằng, công tác dân tộc trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện quản lý Nhà nước về công tác dân tộc nhằm tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.
Các địa phương trong vùng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Cử tri Nguyễn Xuân Đức kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, cân đối ngân sách bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, chính sách dân tộc đã được phê duyệt. Các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn địa phương lồng ghép nguồn vốn triển khai chương trình, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả.
Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ hợp nhất các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp áp dụng đối với cán bộ cơ sở công tác tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo…
Còn cử tri Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp mới được thông qua, nhất là làm rõ vấn đề quyền, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, cơ chế chính sách khoán, quan tâm bố trí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên nghèo, chưa đưa vào kinh doanh, có chế tài xử lý rõ ràng đối với chủ rừng, các cơ quan chức năng… khi để mất rừng. Bên cạnh đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan ổn định đời sống dân cư gần rừng, giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư đến ngoài kế hoạch.
Thực tế, dân số của tỉnh Đắk Lắk tăng rất nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu là tăng cơ học do dân di cư đến ngoài kế hoạch kéo theo nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp tăng cao, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để giải quyết các nhu cầu về đất, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đang thiếu đất để sản xuất. Mâu thuẫn lớn đang đặt ra cần giải quyết giữa việc bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo vai trò, tác dụng của rừng với việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, nông thôn.
Do vậy, cử tri Nguyễn Hoài Dương kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học… sớm nghiên cứu có chiến lược, cơ chế, chính sách cụ thể để giải quyết hài hòa mâu thuẫn này, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, dân cư và tài nguyên rừng bền vững trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.