Sau khi nghe Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước thông báo kết quả của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, hầu hết cử tri tại các điểm cầu trong tỉnh đều đánh giá cao kết quả kỳ họp.
Tại buổi tiếp xúc lần này, đã có 30 lượt cử tri tại các điểm cầu trong tỉnh phản ánh, kiến nghị đến Quốc hội các vấn đề về: Đầu tư công, đền bù đất đai, chế độ chính sách, y tế, phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự…
Cử tri Đào Văn Thắng ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cho rằng, hiện nay, chế độ chính sách của cán bộ không chuyên trách của cấp xã rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống; tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ ngày càng gia tăng, đe dọa đến an ninh trật tự và văn hóa cơ sở.
Cử tri Mai Xuân Anh ở huyện Đại Lộc phản ánh, tình trạng sạt lở ở bờ sông Thu Bồn ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và đời sống của nhân dân sinh sống hai bên dòng sông, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở trên sông Thu Bồn.
Cử tri huyện Phước Sơn cho rằng, việc phân bổ vốn để xây dựng, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông trên địa bàn huyện chưa đáp ứng với thực tế. Cụ thể là hai đường giao thông trọng điểm của huyện là DH1 và DH2 bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được phân bố vốn để nâng cấp, sửa chữa làm ảnh hưởng đến sự đi lại của bà con, thông thương bị đình trệ.
Cử tri ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn nêu: Quế Phú là địa phương bị nhiều thiên tai, lũ lụt, vừa qua được đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng 1 cây cầu nhằm tạo điều kiện đi lại cho người dân, đặc biệt là thực hiện hoạt động cứu nạn cứu hộ mỗi khi có thiển tai. Cầu xây xong đã lâu nhưng đường dẫn đầu cầu không được đầu tư xây dựng, gây ảnh hưởng sự lưu thông và thông thương nông sản của người dân, cử tri kiến nghị sớm đầu tư đường dẫn cầu để tạo điều kiện cho người dân đi lại, làm ăn.
Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nhiều cử tri kiến nghị chính quyền các cấp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng dịch cho người dân, bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri, tại đầu cầu Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho nhân dân, hiện nay Chính phủ đã và đang huy động mọi nguồn lực để tiêm phòng vaccine và trang bị các thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên tiêm cho các lực lượng ở tuyến đầu và những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng. Về công tác phòng chống thiên tai, xói lở trên các sông, xói lở bờ biển ở thành phố Hội An, Trung ương cũng đã lưu ý bố trí ngân sách cùng với tỉnh khắc phục hậu quả và triển khai các hoạt động phòng, chống hữu hiệu cũng như hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tại đầu cầu tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Đối với chế độ của cán bộ không chuyên trách cấp xã đã, đang và sẽ được Đoàn kiến nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp với đời sống thực tế. Còn chế độ chính sách của các đối tượng có công với cách mạng sẽ tiếp tục được đề nghị sửa đổi để đời sống của các đối tượng có công phải cao hơn mức trung bình. Đối với các xã đạt chuẩn Nông thôn mới sẽ tiếp tục được hưởng các chế độ chính sách từ 2 - 3 năm kể từ sau khi đạt chuẩn nông thôn mới...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
* Theo Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Khánh Hòa khóa VII (nhiệm kỳ 2021-2026), toàn tỉnh còn tồn đọng 31 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, chưa được xử lý, giải quyết. Đây là những nội dung được cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần và đã tồn tại từ Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa VI đến nay.
Những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị qua các kỳ họp gồm: Nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách, về chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; việc triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn toàn tỉnh; ô nhiễm môi trường; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, cơ quan này đã quan tâm đến việc chỉ đạo giải quyết kiến nghị còn tồn đọng của các kỳ họp trước (từ kỳ họp thứ 3 đến kỳ họp thứ 11). Nhiều kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm như: Xử lý những bất cập tại vòng xoay ngã giao Lê Hồng Phong - Phong Châu (thành phố Nha Trang); xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác đá (huyện Vạn Ninh); đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hệ thống nước sạch xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh)... Tuy nhiên, một số kiến nghị của cử tri còn tồn đọng từ các kỳ họp của nhiệm kỳ trước, mặc dù được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khá quyết liệt nhưng do khó khăn về nguồn vốn đầu tư hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương nên rất khó triển khai thực hiện ngay theo nguyện vọng của cử tri, như: Bố trí vốn để xây dựng tuyến kênh dẫn nước từ Hồ Suối Dầu về cánh đồng xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh), đầu tư nâng cấp hồ Suối Sim (thị xã Ninh Hòa)... cần nguồn kinh phí lớn; kiến nghị về nạo vét kênh mương cầu Treo, triển khai xây dựng Hồ chứa nước Đồng Điền (thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 26 (thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải)...
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, việc chậm giải quyết các kiến nghị của cử tri một phần là do công tác chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc giải quyết kiến nghị còn chậm. Một số cơ quan chuyên môn chưa thực sự coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là công việc thường xuyên. Việc trả lời kiến nghị còn chung chung, không có lộ trình giải quyết, nhất là đối với các dự án chậm tiến độ chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao thực hiện chậm, phương án giải quyết, xử lý trách nhiệm như thế nào... nên cử tri bức xúc và tiếp tục kiến nghị qua nhiều kỳ. Sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan chưa thực sự thống nhất, đồng bộ.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để giải quyết kịp thời, đạt kết quả những kiến nghị chính đáng của cử tri còn tồn đọng, HĐND tỉnh yêu cầu Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện việc rà soát, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình giải quyết cụ thể đối với nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề cử tri bức xúc, kéo dài trong khả năng của tỉnh; rà soát toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn, gồm thành phố Nha Trang, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm và xây dựng phương án cụ thể để xử lý đối với những dự án kéo dài do nhà đầu tư không có đủ điều kiện triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với những công trình, dự án tỉnh chưa có khả năng bố trí nguồn vốn, không có trong danh mục đầu tư công hoặc phụ thuộc vào vốn Trung ương hỗ trợ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trả lời rõ cho cử tri được biết và không tiếp tục kiến nghị.
Đối với các nội dung kiến nghị của cử tri mà việc giải quyết liên quan đến thẩm quyền của Trung ương, Khánh Hòa tiếp tục có văn bản đề nghị Trung ương sớm quan tâm, giải quyết hoặc có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ để địa phương thực hiện.