Sáng 8/6, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tán thành thông qua các nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Theo dõi kỳ họp qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cử tri ở Hà Nội và Thái Nguyên đều bày tỏ sự đồng thuận cao, mong muốn các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Cơ hội cho các làng nghề
Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, sẽ là cơ hội cho các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống. Tuy cơ hội có nhiều nhưng thách thức đặt ra đối với các làng nghề cũng không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề hội nhập.
Theo bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh, EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dù rằng thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ trước khi có Hiệp định vẫn ở mức 0%. Bởi lẽ, tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề không phải ở tác động đi mà là tác động lại. Đó là không gian thị trường; tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển.
Theo đó, chính các nhà nhập khẩu từ châu Âu cũng sẽ có lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp của châu Âu sẽ tìm đến Việt Nam. Từ đó, tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.
Chỉ riêng trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp mây tre đan đã bằng hơn một nửa của cả năm 2019. Do dịch COVID-19 nên hiện các đơn hàng xuất khẩu cũng đang bị ảnh hưởng, tuy nhiên, các yêu cầu của thị trường EU không quá khó để đáp ứng. Làm theo các đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài, chữ tín đóng vai trò rất quan trọng. Đó là yếu tố cốt yếu để doanh nghiệp phát triển và mở rộng tại thị trường này.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp nói chung và làng nghề nói riêng. Bởi vì thị trường EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có một trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng handmade. Do đó, việc phát triển các sản phẩm mang tính chất truyền thống sẽ là thế mạnh của Việt Nam.
Mặt khác, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế. Điều này giúp sản phẩm làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây cũng sẽ bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác. EU có quá trình công nghiệp hóa với các làng nghề lâu dài, đây cũng là cơ sở để cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ phù hợp với các làng nghề…
Khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta thâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên còn gặp rất nhiều hạn chế như liên kết lại lỏng lẻo, ít chú trọng đến khâu thiết kế nên chủ yếu chỉ là gia công, kinh doanh lại mang tính cá thể nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, khi mở cửa, sẽ có sản phẩm làng nghề của EU vào Việt Nam với giá cả hợp lý và với chất lượng cao cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt. Trong khi sản phẩm làng nghề Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng thiếu tính đồng loạt, đặc biệt là các sản phẩm handmade điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trước đòi hỏi về những đơn hàng xuất khẩu lớn của khách hàng EU. Cách thức quản lý, công nghệ của các làng nghề Hà Nội hiện nay quá lạc hậu, để cạnh tranh được thì đây là bài toán rất khó.
Do vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, vai trò của các Tham tán thương mại trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, mẫu mã, giá cả, thị hiếu của người tiêu dùng EU, đưa ra khuyến nghị tốt nhất cho các doanh nghiệp làng nghề Việt để họ có sự thay đổi phù hợp. Đây là những vấn đề mà các làng nghề nước ta đang yếu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy hoạch làng nghề, thúc đẩy các hộ sản xuất làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, việc này góp phần xử lý tốt vấn đề môi trường. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, làng nghề cần đúng người, đúng việc.
Tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu
Cử tri Phạm Quang Chung - Giám đốc Công ty TNHH Toyota Thái Nguyên cho rằng, việc thông qua 2 Nghị quyết quan trọng về kinh tế với Liên minh châu Âu là một bước tiến mới trong quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA đem lại cho giới doanh nghiệp cơ hội tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực sang thị trường châu Âu, nhất là một số doanh nghiệp đang có các dự án đầu tư ở Thái Nguyên sản xuất các mặt hàng có giá trị cao như: thiết bị điện tử di động, máy móc cơ khí, dụng cụ y tế... Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Nguyên hiện nay, khi thực hiện EVFTA cũng đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường châu Âu, thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất xứ sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường... Các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng cần phải liên kết với nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chuyên môn, tay nghề cao, tôn trọng các cam kết về thương hiệu, hàng hóa, tạo thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, đồng thời cũng cần cập nhật các quy định, chính sách pháp luật của các nước thành viên trong Liên minh châu Âu để thích ứng kịp thời việc giao thương hàng hóa...
Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động
Đối với Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, cử tri Hoàng Thị Quỳnh Ngân - Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đây là việc làm tất yếu khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Việc gia nhập và thực hiện Công ước góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, giảm thiểu tình trạng cưỡng bức lao động, nhất là các đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em, giúp môi trường lao động an toàn, giữ ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Tại Thái Nguyên, trung tâm công nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi tập trung rất đông lao động để từ các tỉnh, thành lân cận việc sớm thực hiện Công ước số 105 giúp cho người lao động có thêm hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy vậy, để nghị quyết đi vào cuộc sống và việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có tính khả thi cao, Chính phủ cần sớm có quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, mức xử phạt doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh để xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức. Chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hành vi cưỡng bức lao động, các quy định pháp luật xử lý, vận động nhân dân và các tổ chức đoàn thể phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời về doanh nghiệp, tổ chức có hành vi sử dụng lao động cưỡng bức...