Cử tri quan tâm trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế

Chiều 1/4, tiếp tục Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/4, những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của cử tri trong cả nước.

 

Phiên chất vấn là một hoạt động thiết thực

 

Ông Đặng Văn Dũng (43 tuổi, Công ty Luật Sen Việt, Hà Nội) cho rằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn như thế này là một hoạt động thiết thực, đáp ứng được một phần mong mỏi của người dân trong việc giải quyết những vấn đề nóng của đất nước. Đây cũng là dịp để người dân hiểu thêm, nắm bắt rõ những khó khăn, vướng mắc và phương thức giải quyết của các cấp, các ngành có liên quan. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong người dân cùng thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng công tác y tế.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

 

Còn Chị Lê Mai Lan (39 tuổi, ở số 2 Thi Sách, Hà Nội) nhận xét: Cách điều hành của chủ tọa phiên chất vấn hôm nay là khá sáng tạo khi yêu cầu cả đại diện lãnh đạo các Bộ liên quan khác cùng tham gia bổ sung thêm ý kiến với Bộ trưởng Bộ Y tế. Bởi lẽ, một mình ngành y tế không thể tự khắc phục thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế. Vấn đề này đòi hỏi cần có sự phối hợp của nhiều ngành cùng chung tay, góp sức tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc

 

Những việc làm hợp lòng dân của ngành y tế

 

Về giải quyết vấn đề y đức, ông Đặng Văn Dũng (Hà Nội) đánh giá cao sáng kiến của Bộ trưởng trong việc siết chặt quản lý qua đường dây nóng bằng nhiều hình thức như: ghi âm cuộc gọi, thống kê và trực tiếp xử lý các trường hợp chưa được giải quyết thấu đáo tại cấp cơ sở… Đây là kênh thông tin đặc biệt quan trọng, cần thiết trong việc nâng cao chất lượng đạo đức của cán bộ ngành y tế.

 

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Bộ Y tế về việc song song với việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm y đức, cần phải kịp thời khen thưởng, nêu gương, khen thưởng, động viên thỏa đáng những gương bác sỹ và nhân viên ngành y có cố gắng, hành động tốt đẹp vượt lên đặc thù của một ngành nghề vất vả, luôn phải chịu áp lực cao. Việc này còn có ý nghĩa hướng xã hội đến những chuẩn mực tốt đẹp.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ hưu trí, nguyên cán bộ Ban dân y miền Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hồ Chí Minh tham gia góp ý kiến. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ hưu trí, nguyên cán bộ Ban Dân y miền Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: sau gần 60 năm làm việc trong ngành y, đây là lần đầu tiên tôi thấy Bộ trưởng Y tế trả lời, phân tích các vấn đề và có các giải pháp rõ ràng, xác đáng với tình hình thực tế, đặc biệt là liên quan đến chấn chỉnh y đức, giảm tải bệnh viện, quản lý chứng chỉ hành nghề, bỏ bậc học chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ... Riêng về vấn đề y đức đang ở mức báo động, song đại đa số cán bộ y tế đang làm tốt nhiệm vụ của mình, họ đang phải chịu nhiều áp lực về mặt xã hội, vì vậy rất cần cả hệ thống chính trị và người dân động viên, tin tưởng vào ngành y. Đồng thời, Bộ Y tế cần có những qui định, qui chế cụ thể trong cách hành xử tiếp xúc, qui chế chuyên môn để mọi cán bộ y tế thực hiện. 

 

Cần các biện pháp lâu dài, bền vững

 

Ông Nguyễn Đức Hoan (77 tuổi, khu phố 6, phường 3, TP. Đông Hà, Quảng Trị) nhận xét: Các biện pháp Bộ trưởng đưa ra để giải quyết một số vấn đề nóng chưa đi sâu từ trong nội lực của ngành mà chủ yếu mang tính tạm thời trước mắt.

 

Bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ (63 tuổi, khu phố 7, phường 3, TP. Đông Hà) cho biết: Hiện nay xảy ra nhiều vấn đề nóng bỏng về y đức, tiêu cực. Đặc biệt, sau vụ 3 trẻ sơ sinh bị tử vong ở Hướng Hóa, niềm tin của người dân đối với ngành y tế đang ở tình trạng báo động. Bộ Y tế nên sớm rút kinh nghiệm đưa ra kết luận xác đáng trong thời gian nhanh nhất để người dân yên tâm, không lo lắng hoảng sợ trong thời gian dài như vậy.

 

Liên quan đến phát triển y tế tư nhân, bác sĩ Lê Trường Giang Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một chủ trương đúng của ngành y tế. Bởi các bệnh viện công hiện nay đang trong tình trạng quá tải, còn Nhà nước thì không đủ sức để đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Y tế cần tăng cường hoạt động có sự phối hợp công- tư có kiểm soát để phát huy thế mạnh của mỗi bên, cụ thể là thế mạnh về đội ngũ nguồn nhân lực ở các bệnh viện công và năng lực đầu tư ở các bệnh viện tư.

 

Bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ (Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, hiện nay các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn chưa công khai bảng giá các loại thuốc nên người dân mù mờ không biết giá. Cử tri chúng tôi mong muốn Bộ y tế cần có các biện pháp chấn chỉnh. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiến (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay có phổ biến tình trang các dược sĩ không được phép chẩn đoán bệnh để bán thuốc nhưng thực tế hầu hết người dân ra các tiệm thuốc Tây mua thuốc không có đơn thuốc. 

 

Cần có quy định đảm bảo an toàn thực phẩm

 

Góp ý về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, bác sĩ Lê Trường Giang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề của thực phẩm hiện nay đã chuyển sang vấn đề “an toàn”, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề “vệ sinh” và đã vượt qua khả năng kiểm soát của các ngành chức năng. "An toàn” gắn liền với mức độ sử dụng hóa chất, phụ gia,… Hiện còn thiếu quy định về “Phụ gia, hóa chất thực phẩm chỉ được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm” nên không kiểm soát được. Hiện nay, hóa chất, phụ gia thực phẩm được sản xuất, kinh doanh cùng lúc với hóa chất, phụ gia sử dụng trong mọi mục đích khác, kể cả trong công nghiệp, gia dụng. Người mua thấy cái gì có lợi thì mua, còn người bán thấy có người mua hàng là bán . Vì vậy, để giải quyết vấn đề rất cơ bản và quan trọng của an toàn thực phẩm là phải quy định rõ phụ gia, hóa chất thực phẩm chỉ được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm.

 

Thanh Thủy, Hứa Thị Chung, Kim Anh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN