Trong những ngày qua tại diễn đàn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành Trung ương báo cáo, cũng như những ý kiến thảo luận sôi nổi của đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội Nguyễn văn Giàu đã báo cáo về Tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành Ngân hàng và được cử tri cả nước quan tâm theo dõi và tin tưởng về các chủ trương, giải pháp chỉ đạo và điều hành thực hiện về tái cơ cấu đầu tư nền kinh tế đất nước, trong đó tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cổ phần, việc xử lý nợ xấu và việc hoàn thiện các cơ chế chính sách về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Cử tri Bình Định tin tưởng trong việc tái cơ cấu đầu tư nền kinh tế Cử tri Phan Phú Hải, giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Định cho biết: Là một cử tri và công chức của nhà nước, ông rất quan tâm đến các diễn đàn của Quốc hội, thông qua báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế- xã hội của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015; các ý kiến tham luận của các đại biểu Quốc hội và qua thu thập thông tin khác, đã cho thấy việc đánh giá của Quốc hội, Chính phủ rất rõ nét về cả mặt được và chưa được của tình hình phát triển đất nước. Ấn tượng nhất đó là trong những năm gần đây do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới và trong nước, sản xuất kinh doanh khó khăn, lãi suất tăng cao..
Nhưng Đảng, Nhà nước đã có những chủ trướng đúng đắn và Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã có những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt giữ vững nền kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định. Trong đó phải kể đến các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các chính sách tiền tệ, kịp thời kiềm chế lạm phát và đã đưa lãi suất của những năm sau này giảm mạnh, từ 18-25% năm 2010 và 2012 đến nay xuống mức rất thấp. Việc Ngân hàng đưa lãi suất giảm đã giúp cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tác động lại hoạt động Ngân hàng ngày càng tốt hơn và nợ xấu ngày càng giảm xuống. Mặt khác tỷ giá trong thời gian qua cũng được các cấp ngành và doanh nghiệp hết sức quan tâm và trên thực tế tỷ giá tương đối ổn định và sự điều chỉnh không lớn của Nhà nước đã giúp cho doanh nghiệp phục vụ tốt xuất khẩu.
Thị trường vàng những năm trước đây biến động và làm cho thị trường xáo động. Nhưng sau khi có Nghị định 24 của Chính phủ được triển khai thực hiện, thị trường vàng ổn định trở lại và tâm lý của người dân không còn hoang mang và dùng vàng để làm phương tiện thanh toán như trước đó. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Quyết định 254/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của toàn bộ hệ thống Ngân hàng, kịp thời dược các tổ chức tín dụng tự giác xây dựng đề án.
Chủ trương của Chính phủ tái cơ cấu 5-6 ngân hàng, nhưng việc tái cơ cấu không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và nền kinh tế của đất nước. Việc sát nhập 9 ngân hàng vào là để nâng cao năng lực tổ chức và góp phần ổn định đã minh chứng các tổ chức tín dụng sau khi được tái cơ cấu đã phát huy hơn trước. Riêng tỉnh Bình Định đến nay có tổng cộng 23 tổ chức tín dụng, trong đó có 8 tổ chức tín dụng nhà nước. Trong thời gian qua các tổ chức tín dụng đã quán triệt các chủ trương, giải pháp của cấp trên, cũng như phương án của từng tổ chức tín dụng trong việc thực hiện tái cơ cấu về nguồn nhân lực; xử lý nợ xấu bằng bán cho công ty tài chính; đấu giá tài sản phát mãi nên đã làm cho nợ xấu lúc cao nhất lên từ 10-15 % và đến nay chỉ còn khoảng 5 %.
Theo nhận xét của cử tri Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định: Qua theo dõi các phiên họp thảo luận của đại biểu Quốc hội và báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, cử tri rất phấn khởi và tin tưởng vào những chủ trương và quyết sách đúng đắn để đưa đất nước phát triển đi lên. Trong đó việc thực hiện chủ trương Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó hoàn thiện các cơ chế chính sách về sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu qủa sản xuất kinh doanh trong những năm qua cũng rất thành công.
Tuy vậy, việc cổ phần hoá của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp Công ích nhà nước, do giá trị cổ phiếu cao và lợi nhuận không cao và nhà đầu tư ít quan tâm hơn. Nhưng Chính phủ đã có những chủ trương kịp thời, cho phép các doanh nghiệp sau khi xây dựng xong phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hoá có lợi nhuận cao, sẽ thu hút nhà đầu tư và sau đó tiếp tục thoái phần vốn của Nhà nước còn lại. Thực hiện chủ trương đó, trong giai đoạn ( 2011-2015), tỉnh Bình Định đã tổ chức cổ phần hoá cho 10 doanh nghiệp và năm 2013 đã hoàn thành 4 doanh nghiệp, còn lại 6 doanh nghiệp đến nay đã có quyết định phê duyệt và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2014.
Cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Để tái cơ cấu nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả, vấn đề quy hoạch vùng phải được thực hiện một cách nghiêm túc và phải khác với thực tế hiện nay. Nếu tái cơ cấu theo kiểu từng tỉnh, thành làm theo kế hoạch riêng của mình, không theo quy hoạch vùng sẽ dẫn đến khó khăn, kém hiệu quả vì nguồn vốn đầu tư bị dàn trải, không tập trung mà thực tế thời gian qua đã thể hiện rõ. Vấn đề liên kết vùng phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới không phải ý muốn chủ quan của một tổ chức, cá nhân nào đây là nhu cầu có tính tất yếu, khách quan.
Chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nông dân muốn sản xuất có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí thì phải sử dụng cùng 1 loại giống, quy trình canh tác phải thống nhất để thu hoạch đồng loạt, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và chất lượng lúa gạo đồng đều mới bán và xuất khẩu được giá cao. Mặt khác, trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, khi Trung ương có đầu tư cho vùng cần có ý kiến của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vì theo Kết luật 28 của Bộ Chính trị thì Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các bộ ngành Trung ương để làm kế hoạch thực hiện Kết luận 28 của Bộ Chính trị.
Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều dự án lớn mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội trong hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và hiện nay đang triển khai xây dựng các cầu Cổ Chiên, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, mở rộng kênh Quan Chánh Bố... Đây là những tuyến đường huyết mạch của vùng, tháo gỡ ách tắc giao thông, mở ra hệ thống giao thông thông suốt cho vùng, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, vật tư sản xuất và việc đi lại của nhân dân thuận tiện. Đặc biệt hệ thống thủy lợi và cơ giới hóa nông nghiệp được đầu tư lớn, đã góp phần giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng lúa và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Thạc sĩ Huỳnh Thị The, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Khu vực IV cho rằng: Để tái cấu trúc nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới cần phát triển nông nghiệp theo quy hoạch chung một cách toàn diện, đa dạng theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng cao thông qua đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hoá trong sản xuất. Tổ chức lại sản xuất tập trung theo quy hoạch , sản xuất hàng hóa đạt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến với lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương. Nhà nước cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, có chính sách phát triển nhanh và bền vững nguồn nhân lực có trình độ cao tham gia vào xây dựng nông thôn mới, phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật một cách dồng bộ như hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống thủy lợi...vừa tạo điều kiện cho người dân sản xuất thuận lợi và đi lại dễ dàng.
Vấn đề tái cấu trúc nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, song cũng còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, tháo gỡ. Điển hình như hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang tồn tại nhiều "cái nhất" mâu thuẫn với nhau. Đó là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng ngược lại kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn kém nhất, nhà ở tồi tệ nhất, giáo dục kém phát triển nhất, hưởng thụ an sinh xã hội kém nhất. Đồng bằng sông cửu Long đang đứng trước nhiều nguy cơ cao, như nông dân mất ruộng đất vì quá trình đô thị hóa, nông dân ly nông, ly hương vì cuộc sống bấp bênh, ngập úng và ô nhiễm môi trường do biến đổi khí hậu và sản xuất công nghiệp tự phát, thị trường nông sản bất ổn định.
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là yêu cầu cấp bách Phiên thảo luận về thực hiện tái cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng vào sáng 1/11 đã thu hút sự chú ý, quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri Hà Nội.
Ý kiến chung của cử tri Thủ đô là các đại biểu Quốc hội Quốc hội thảo luận đúng trọng tâm các vấn đề nhân dân quan tâm, kiến nghị nhiều vấn đề xác đáng. Đồng thời, cử tri Hà Nội cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, đáng chú ý là những ý kiến về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo bà Lê Phương Thủy, chuyên viên Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (35 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Chúng ta đang thực hiện con đường đổi mới, tạo môi trường làm việc tốt cho doanh nghiệp. Từ trên 5.600 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước vào năm 2000, qua quá trình sắp xếp, hiện “co” lại còn khoảng trên 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Việc đổi mới, sắp xếp này đã đạt được những mục tiêu cơ bản, phát huy những hiệu quả nhất định như: Doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu phát triển theo hướng mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài; tăng cường cạnh tranh, đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa sản phẩm với giá thành, chi phấp thấp, nhằm khai thác tối đa các phân khúc thị trường; tăng cường khả năng đào tạo và cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhưng so với tiềm lực thì những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng. Không ít doanh nghiệp nhà nước thua lỗ triền miên, nhiều “quả đấm thép” xảy ra thất thoát và tham nhũng nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế như Vinashin, Vinaline. Đáng ngại, không ít doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động không cao, lún sâu vào khó khăn, thậm chí là tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. “Nếu điều đó xảy ra với các doanh nghiệp lớn thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”- Bà Thủy lo ngại.
Cử tri Lê Phương Thủy mong mỏi, để tái cơ cấu hiệu quả, khởi động mạnh mẽ lại bộ máy kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, mong rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước; quyết tâm giải thể những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả để giảm gánh nặng bao cấp từ Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội phải có những quy định rõ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là số vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ, các doanh nghiệp nhà nước độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tránh tình trạng dùng nguồn vốn nhà nước đem đi đầu tư vào các công ty con, đầu tư ngoài ngành tràn lan. Và cũng không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ cùng tập đoàn.
“Tôi cho rằng, bên cạnh những nỗ lực vì sự tồn vong của chính bản thân doanh nghiệp, Chính phủ, Quốc hội sẽ có những giải pháp đột phá hơn, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để năm 2015 kinh tế xã hội phục hồi và khởi sắc trở lại”- cử tri Thủy tin tưởng.
Viết Ý, Ngọc Thiện, Anh Tùng