Báo cáo với Đoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Quốc cho biết, sau 16 năm thành lập, Khu Công nghệ cao Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 148 dự án, trong đó có 93 dự án trong nước và 55 dự án FDI. Tổng giá trị sản lượng sản xuất công nghệ cao của toàn khu đã đạt gần 45 tỷ USD và đang tăng dần hàng năm. Riêng năm 2018, dự kiến giá trị sản xuất toàn khu sẽ đạt 14 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt 20 tỷ USD.
Theo ông Lê Hoài Quốc, hiện Khu Công nghệ cao đang triển khai giai đoạn 2 với tên gọi Công viên khoa học công nghệ. Cùng với định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, hình thành Khu Đô thị sáng tạo, Khu Công nghệ cao sẽ xây dựng, hoàn thiện một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, để cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “hạt nhân” trong Khu Đô thị sáng tạo của Thành phố. Hiện nay, trong thu hút đầu tư, Khu Công nghệ cao đặt ra nhiều tiêu chí đối với các doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp phải cam kết đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và thực hiện lộ trình nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diaz Canel Bermudes đã trao đổi, tìm hiểu và đặt ra các vấn đề về mô hình đầu tư Khu Công nghệ cao; các vấn đề liên quan đến pháp lý xây dựng và thu hút đầu tư của Khu; các tiêu chí, cơ sở xác định một doanh nghiệp đầu tư vào khu được xem là doanh nghiệp công nghệ cao…
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba cho biết, vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã thông qua chủ trương phát triển khu công nghệ cao. Đây là vấn đề mới nên để thực hiện chủ trương đó, Cuba phải tạo một khuôn khổ pháp lý về công nghệ cao, thể chế hóa thành luật. Hiện cơ sở pháp lý cho vấn đề này chưa nhiều, Cuba đã có luật về sử dụng đất đai, nhưng vẫn chưa có Luật doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diaz Canel Bermudes, tại Cuba, ngành công nghệ sinh học và công nghệ dược phẩm có nhiều yếu tố được xem là ngành công nghệ cao. Đây là những ngành có nhiều sản phẩm rất mới, có ứng dụng từ nghiên cứu khoa học công nghệ. Các trung tâm công nghệ sinh học khép kín từ nghiên cứu phát triển đến thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, trong giới khoa học Cuba cũng đang tranh luận về các tiêu chí đánh giá một doanh nghiệp hay một sản phẩm công nghệ cao.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diaz Canel Bermudes cho biết, Đoàn Đại biểu cấp cao Cuba rất muốn đến thăm Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, bởi con đường phát triển công nghệ cao của Cuba trong thời gian tới sẽ giống như Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã đi qua. Cuba coi Việt Nam như một ví dụ điển hình để có thể học tập và trao đổi kinh nghiệm; tin tưởng Việt Nam là đất nước có độ tin cậy chính trị cao, tình hữu nghị anh em, là nơi để Cuba có thể học hỏi một cách thực lòng các kinh nghiệm.
Trên cơ sở chuyến thăm lần này, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diaz Canel Bermudes đề xuất, thời gian tới, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cử đoàn sang Cuba để chia sẻ kinh nghiệm và làm việc với một số trung tâm mà Cuba dự kiến thành lập như trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm công nghệ khoa học Trường Đại học La Habana và các trung tâm công nghệ sinh học, dược phẩm của Cuba. Nhà nước Cuba sẽ có chỉ đạo Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường liên lạc và trao đổi với Khu Công nghệ cao Thành phố lựa chọn thời điểm thích hợp sang Cuba giới thiệu mô hình hoạt động của Khu với các đơn vị liên quan đến công nghệ cao của Cuba.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba Miguel Mario Diaz Canel Bermudes cũng đề xuất, ngành công nghệ sinh học Cuba và Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi trực tiếp để tìm cơ hội thành lập liên doanh hoặc nghiên cứu phát triển chung về dược phẩm tại Khu. Hiện, Cuba có những sản phẩm rất sáng tạo như các loại thuốc đặc trị và các loại vắc xin…; trong đó có cả thuốc đã phát triển và thuốc đang trong quá trình nghiên cứu. Do điều kiện khó khăn, các nhà máy sản xuất của Cuba vẫn hạn chế trong sản xuất thuốc, nên có thể hợp tác nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.