Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, kiểm lâm là những người đang giữ màu xanh cho đất nước, cho thế hệ tương lai. Đây là lực lượng chủ lực và tiên phong cùng với lâm nghiệp để hiện thực hóa sinh thái rừng có giá trị cao hơn, giúp giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội.
Với niềm tự hào kế thừa lịch sử, truyền thống vẻ vang và tình yêu với rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hi vọng, mỗi cán bộ, công chức ngành kiểm lâm tiếp tục gắn bó, đoàn kết, tiếp nối khát vọng đổi mới sáng tạo để xây dựng lực lượng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vững vàng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Sự ra đời của lực lượng kiểm lâm trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp rất nhiều khó khăn đã cho thấy tầm nhìn và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
50 năm qua, lực lượng kiểm lâm đã chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Việc bảo vệ rừng, quản lý lâm sản có nhiều tiến bộ. Vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng năm sau giảm so năm trước cả về số vụ vi phạm cũng như quy mô, tính chất, mức độ thiệt hại. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực, chủ động trong phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên.
Lực lượng kiểm lâm cũng sớm tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào quản lý, bảo vệ rừng; ứng dụng công nghệ GIS, phần mềm trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng; ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra bảo vệ rừng... Cục Kiểm lâm đang triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý bảo vệ rừng.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, ông Bùi Chính Nghĩa chia sẻ, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp, có lúc, có nơi trở thành “điểm nóng”. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đã có 12 chiến sỹ kiểm lâm mãi mãi ra đi; trong đó có những người nằm xuống khi tuổi xuân còn đang phơi phới. Cũng có đến 452 chiến sỹ đã mất mát một phần cơ thể, hay phải chịu thương tật suốt đời. Cũng có hàng ngàn vạn người, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác lặng lẽ, âm thầm mà đầy quyết liệt bảo vệ rừng với một tình yêu còn cao hơn tình yêu với chính bản thân.
Trân trọng và tự hào về những thành quả và sự hi sinh đó, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, chặng đường sắp tới, lực lượng kiểm lâm vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn từ thực tiễn. Những biến động của lịch sử, áp lực của sự phát triển và bùng nổ của khoa học công nghệ, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm phải thay đổi tư duy, tầm nhìn mới; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Bùi Chính Nghĩa cho rằng, những khó khăn chỉ là trong trước mắt. Bằng niềm tự hào kế thừa lịch sử, truyền thống vẻ vang và tình yêu với rừng, mỗi kiểm lâm viên sẽ tiếp tục gắn bó, đoàn kết, tiếp nối khát vọng đổi mới, sáng tạo để tiếp tục xây dựng lực lượng kiểm lâm đạt được nhiều kết quả hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vững vàng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong suốt 50 năm qua, lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.