Sáng 14/1, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương - Chương trình "Nghiên cứu Khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" (mã số KX.04/16-20) tổ chức Hội thảo "Những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020".
Đây là cuộc hội thảo đầu tiên của toàn bộ Chương trình, có vai trò quan trọng định hướng cho công tác nghiên cứu của các đề tài.
Chương trình KX.04/16-20 gồm 4 cụm vấn đề: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội - con người, quốc phòng - an ninh - đối ngoại; mỗi cụm 7 đề tài; 2 đề tài mang tính chất tổng hợp, phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phục vụ trực tiếp yêu cầu đổi mới của nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ nhiệm Chương trình KX.04/16-20 Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nêu rõ: Chương trình góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 -2020; góp phần tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận nhằm cung cấp cơ sở cho việc định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó bổ sung cơ sở lý luận - thực tiễn nhằm góp phần phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030).
Chương trình KX.04/16-20 tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, nhất là vấn đề giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, làm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu làm rõ hơn lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về một số nội dung của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường với bối cảnh hội nhập quốc tế; về phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất; về vai trò của các thành phần kinh tế; tư duy đột phá về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; về phát triển bền vững...
Chương trình KX.04/16-20 là chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, có sự chỉ đạo trực tiếp về mục tiêu định hướng nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mục tiêu, nội dung nghiên cứu gắn liền với việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ và sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới của nước ta.
Giáo sư - Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị này mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội - con người, quốc phòng - an ninh - đối ngoại nhưng không phải là nghiên cứu tất cả các vấn đề thuộc mỗi lĩnh vực mà chỉ tập trung vào những vấn đề mới, cấp thiết dưới góc độ lý luận chính trị, có liên quan trực tiếp đến hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, kể cả những vấn đề "nhạy cảm", mật về quốc phòng - an ninh - đối ngoại. Phương pháp luận nghiên cứu của Chương trình dựa trên phương pháp luận nghiên cứu Mác xít, đồng thời chọn lọc, sử dụng các phương pháp cụ thể để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận.
Đề cập tới phương pháp luận nghiên cứu lý luận chính trị vận dụng trong Chương trình KX.04/16-20, Giáo sư - Tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa nêu rõ, các đề tài của Chương trình tuy có nội dung cụ thể khác nhau nhưng đều là những vấn đề thuộc lý luận chính trị của Đảng. Việc nghiên cứu những đề tài trong Chương trình sẽ cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách để lãnh đạo, quản lý đất nước, trực tiếp góp phần xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, vì vậy cần phải vận dụng phương pháp luận nghiên cứu lý luận chính trị vào nghiên cứu các đề tài thuộc Chương trình. Trong đó phải nắm vững và vận dụng các quan điểm và nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào nghiên cứu lý luận chính trị; quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu lý luận chính trị; đa dạng hóa cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận, xác định làm rõ tính chất, đặc điểm của Chương trình, của từng đề tài, phương pháp luận nghiên cứu của Chương trình, đề tài; cách thức tổ chức Chương trình, đề tài để có hiệu quả.