Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực II chia sẻ, quá trình nghiên cứu, giảng dạy, ông thường nhận nhiều câu hỏi từ học viên, sinh viên; theo đó đích thực chủ nghĩa xã hội Việt Nam là gì và con đường chúng ta lựa chọn như thế nào; triển vọng, tương lai của chủ nghĩa xã hội đi đến đâu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Cuốn sách của Tổng Bí thư ra đời đáp ứng được rất nhiều nguyện vọng. Với những người nghiên cứu và giảng dạy, cuốn sách như một cẩm nang để dẫn giải làm tăng độ tin cậy của các bài trình bày với các thế hệ học viên, sinh viên. Cuốn sách cũng phổ biến đến toàn thể nhân dân, kiều bào ở nước ngoài hiểu được khái niệm chủ nghĩa xã hội là gì và tại sao Việt Nam lại lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, cuốn sách còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam; khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn hiện nay. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư có nhắc đến từ “khát vọng”, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhắc đến điều này. Chính khát vọng sẽ tạo nên sức mạnh toàn dân, là điều vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Theo Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư khẳng định, chủ nghĩa xã hội là một xã hội tốt đẹp hướng đến hòa bình, ổn định và phát triển, đặc biệt là vì con người. Quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn lấy nhân dân làm trung tâm, vì nhân dân; hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tổng Bí thư cũng cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong quá trình ấy phải thực hiện một nền kinh tế với nhiều thành phần, nhiều loại hình sở hữu để phát huy mọi tiềm năng phát triển đất nước; tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của nhân loại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khái quát con đường tương lai của đất nước; nhấn mạnh đến vấn đề phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải quyết hài hòa các lợi ích, vấn đề xã hội. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa xây, vừa chống, vừa học hỏi, vừa hoàn thiện thể chế, không được nóng vội, chủ quan duy ý chí; phải xây dựng, củng cố, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của quá trình đổi mới, hội nhập.
Cũng có những cảm xúc tương tự, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh (HUFO) cho rằng, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, khẳng định ngày càng vững chắc vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thực tế này là minh chứng hùng hồn nhất về sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và dân tộc ta.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp và những khó khăn, thách thức cũng như vấp váp trên con đường phát triển của đất nước cũng khiến có người dao động, thiếu niềm tin về con đường Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa, với nội dung khẳng định mạnh mẽ quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải đáp những băn khoăn của một bộ phận người dân, đồng thời đập tan những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực phản động, thù địch, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Là một người công tác trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân tại TP Hồ Chí Minh, ông Hồ Xuân Lâm cho rằng, những giá trị to lớn nói trên từ tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn mang tính cấp bách đối với những người làm công tác đối ngoại. Chỉ khi hiểu rõ và tin tưởng thì người làm công tác ngoại giao mới có thể giới thiệu một cách sinh động, thuyết phục với bạn bè quốc tế, có đủ bản lĩnh để giải đáp cặn kẽ hoặc đập tan những quan điểm sai lầm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Cũng từ đó, tạo ra nguồn cảm hứng quy tụ nguồn lực của mọi người dân đất Việt ở mọi nơi trên thế giới cùng hướng về Tổ quốc, tạo thành sức mạnh góp sức dựng xây đất nước cường thịnh, hạnh phúc ấm no theo con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn.