Trong hàng trăm, thậm chí hàng vạn thông tin trên mạng xã hội, người dùng khó có thể nhận biết được các thông tin sai sự thật, thông tin giả. Hằng ngày, hằng giờ, loại thông tin xấu, độc này vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Có thể là do các đối tượng tung ra nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, tăng lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, thuận lợi cho việc bán hàng online.
Cũng không ít trường hợp đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch do chưa được kiểm chứng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức không đầy đủ..., chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc mới nhận ra hành vi sai trái. Cũng có không ít trường hợp là do các đối tượng tung ra với mục đích xấu gây hoang mang dư luận, chống phá Đảng, Nhà nước... Tất cả các hành vi sai phạm đó đã và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tin giả, tin xấu, độc gây nhiễu loạn xã hội
Những ngày gần đây, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về vụ việc cá nhân đứng đầu một doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Ngay sau đó, đại diện Bộ Công an đã lên tiếng khẳng định những thông tin trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Đồng thời, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý. Đối tượng đưa tin đồn thất thiệt cũng đã bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân tại 7 tỉnh, thành phố khác đưa thông tin thất thiệt cũng về nội dung này.
Đây không phải lần đầu tiên tin giả về doanh nghiệp xuất hiện. Trước đó, nhiều thông tin trên mạng xã hội cũng đưa ra những thông tin giả gây nhiễu loạn, hoang mang, tin giả dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tại địa phương.
Có thể kể đến ngày 14/4/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh tạm giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, đối với Đ.N.Q.
Theo đó, Đ.N.Q (sinh năm 1980, nơi ở: phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do) đã có hành vi: đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được thi hành. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, giải quyết vụ án và khuyến cáo người dân không nghe theo, tiếp tay, lan tỏa những thông tin chưa được kiểm chứng. Động thái trên cho thấy cơ quan chức năng kiên quyết mạnh tay với những hành vi lan truyền thông tin sai sự thật.
Hay vụ việc xảy ra trong tháng 1/2022, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà L.T.M.D (ngụ huyện Đam Rông, Lâm Đồng), về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Cụ thể, qua công tác bảo đảm an ninh mạng, cơ quan chức năng phát hiện Fanpage "Đ.L.V" đăng tải thông tin, cho rằng "chính sách của Công an tỉnh Lâm Đồng không chào đón người nước ngoài đầu tư vào Đam Rông" và đưa ra yêu cầu "một văn bản trả lời cụ thể từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng để môi trường đầu tư được trở nên lành mạnh và phát triển tốt hơn trong thời điểm khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra"; đồng thời "cảnh báo cho các nhà đầu tư nước ngoài khác trước khi rót tiền vào đầu tư du lịch". Nhận thấy hành vi đăng tải thông tin trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư địa phương, uy tín của Công an tỉnh Lâm Đồng, PA05 Công an tỉnh Lâm Đồng triệu tập bà L.T.M.D, quản trị viên Fanpage "Đ.L.V", để làm rõ về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà L.T.M.D trình bày, bà là giám đốc một công ty trên địa bàn huyện Đam Rông. Do không bảo đảm các điều kiện theo quy định, nên hồ sơ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty của bà D không được cơ quan chức năng xét duyệt. Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan chức năng, bà D đã chụp ảnh văn bản này và đăng tải trên Fanpage "Đ.L.V", cùng bài viết cho rằng "Công an tỉnh Lâm Đồng có chính sách không chào đón người nước ngoài đầu tư vào Đam Rông". Tại buổi làm việc, sau khi nghe cơ quan chức năng giải thích đầy đủ những thủ tục theo quy định, bà L.T.M.D thừa nhận đã đăng tải những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook và cam kết đính chính nội dung thông tin đã đăng tải.
Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội vào loại cao trên thế giới, với thời gian dành cho smartphone, mạng xã hội vào khoảng 2,5-3 tiếng một ngày và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Với số lượng và nhu cầu tiếp cận thông tin ở các loại hình truyền thông rất lớn và nguy cơ tin giả cùng những hệ lụy xã hội của nó đang ngày càng gia tăng. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... cũng phải đối mặt với các loại tin tức giả hàng ngày...
Ngăn chặn tình trạng phát tán, lan truyền tin giả
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin giả do con người tạo ra. Với các nền tảng có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok.. có tin giả thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn lượt chia sẻ, với hàng triệu lượt xem. Rồi bình luận, rỉ tai, phao tin sẽ làm cho tin giả tăng theo cấp số nhân.
"Uy tín, danh dự của một con người bị bôi xấu, bị bào mòn mà không có cơ hội để giải thích, thanh minh. Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được", Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc chia sẻ.
Hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới. Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên giới chủ yếu là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng "vô danh nên vô trách nhiệm", không sợ bị xử lý, nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định, công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội. Thêm vào đó, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Ngoài ra, người dân trong nước ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân
Ông Lưu Đình Phúc nhận định, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu, độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook. Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm. Ngoài ra, các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và Tik Tok chưa đạt hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đẩy mạnh, tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.
Tin giả phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Để đối phó tình trạng này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả. Cụ thể, Cục nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả.
Cục cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân. Cơ quan báo chí chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh. Cục cũng tăng cường đẩy mạnh việc khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng; qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.
Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu độc, link giả mạo. Quá trình xử lý tin giả, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã thiết lập được mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, với hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ký kết các biên bản ghi nhớ với các Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai để tăng cường phối hợp tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin sai sự thật trên mạng; thẩm định, kết luận về tính chính xác của nội dung thông tin được đăng tải, chia sẻ trên mạng; gắn nhãn, công bố tin giả, tin sai sự thật và cung cấp thông tin chính xác trên cổng thông tin Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (www.tingia.gov.vn). Các bên cũng phối hợp xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm đối với các hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật trên mạng; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng cho xã hội; trao đổi, chia sẻ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý, thực thi pháp luật về cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng; những vấn đề phát sinh sẽ trao đổi làm rõ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ký kết với các bộ, ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả. Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ sẽ tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok... tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này.