Theo báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 3/9 đến 13 giờ ngày 4/9, Đà Nẵng ghi nhận 47 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 25 trường hợp đã cách ly tập trung, 11 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm cách ly tại nhà, 6 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 3 trường hợp xét nghiệm đại diện hộ gia đình, 2 trường hợp có triệu chứng đến cơ sở y tế khám.
Hiện 4/7 quận huyện có ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, huyện Hòa Vang). Trong đó các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao nhất gồm quận Cẩm Lệ cao nhất (8 ca), quận Thanh Khê (7 ca), quận Hải Châu (7 ca).
Trong 47 ca mắc COVID-19, có 22 trường hợp ít có khả năng lây cho cộng đồng, 25 trường hợp có khả năng lây cho cộng đồng.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 14 xã/4 quận không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp gồm: Nam Dương, Phước Ninh, Hải Châu 1 (quận Hải Châu); Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Tiến, Hòa Liên, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Phước Mỹ (quận Sơn Trà); Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn).
Như vậy, tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận nhận 4.274 ca mắc COVID-19.
Trong ngày 4/9, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 22.644 lượt người; phát hiện, cách ly 131 F1, 72 F2; đang điều trị 2.004 bệnh nhân, 170 bệnh nhân khỏi bệnh, 3 bệnh nhân tử vong. Hiện thành phố có 198 khu vực “vùng đỏ”.
Thực hiện Kế hoạch 158/KH-UBND: Đợt 1 (từ ngày 28/8 – 30/8), xét nghiệm 303.626 lượt người (đạt tỷ lệ 100.4%), phát hiện 18 ca mắc COVID-19; đợt 2 (từ ngày 31/8 - 2/9) xét nghiệm 308.862 lượt người (đạt tỷ lệ 102,4%), phát hiện 6 ca mắc COVID-19
Đánh giá tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho hay, đến nay thành phố cơ bản đã bóc tách các trường hợp F0 trong cộng đồng, số ca mắc có xu hướng giảm. Tuy nhiên thành phố vẫn còn một số nguy cơ bùng phát dịch như: còn các ca F0 sót lại trong cộng đồng; nguồn lây lọt từ khu phong tỏa ra bên ngoài; ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung; tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ hàng hóa, thực phẩm vào thành phố.
Ông Thạnh đề xuất, đối với “vùng đỏ” thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp phong toả triệt để, thực hiện giãn dân nếu cần thiết và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu vực với tần suất 3 ngày/lần; đối với các "vùng vàng”, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Chỉ thị số 05/CT-UBND và Quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 3/9/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng, lấy mẫu xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình với tần suất 7 ngày/lần; đối với "vùng xanh", thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 03/9/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng, lấy mẫu xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình với tần suất 7 ngày/lần.
Thống nhất với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy đề xuất, lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần đối với shipper, ban điều hành tổ dân phố, khu dân cư; cửa hàng, siêu thị lấy mẫu xét nghiệm 50% nhân viên 7 ngày/ lần; cơ sở sản xuất công nghiệp lấy mẫu xét nghiệm 50%, từ 3-5 ngày/lần
Bà Thủy cho rằng, trong thời gian đến, Sở sẽ tăng cường biện pháp nghiêm ngặt đối việc cách ly tại nhà, đồng thời có đánh giá điều kiện cách ly, tránh trường hợp hoàn thành cách ly tập trung sau khi về nhà phát hiện mắc COVID-19, gây lây lan dịch bệnh cho người trong gia đình và cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ, sáng 5/9, Đà Nẵng kết thúc 20 ngày thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, trong thời gian này thành phố đã triển khai nhiều biện pháp và có những kết quả mang tín hiệu tích cực.
Cụ thể, qua 5 đợt xét nghiệm trên phạm vi toàn thành phố đã phát hiện 2.400 ca mắc COVID-19. Nếu thành phố không thực hiện biện pháp mạnh thì nguy cơ lây nhiễm đối với toàn địa bàn Đà Nẵng sẽ ở mức độ sâu, rộng.
Cùng với đó, qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình, Đà Nẵng đã phát hiện 265 trường hợp mắc COVID-19 và từ những trường hợp này tiếp tục ghi nhận thêm 828 trường hợp mắc COVID-19 có liên quan, chủ yếu tập trung trong hộ gia đình.
“Đây là kết quả làm cơ sở đánh giá dịch bệnh và cho thấy quyết định của thành phố rất sát, đúng hướng”, ông Quảng nhấn mạnh.
Theo ông Quảng, nhiều nguồn lây vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 còn lại trong cộng đồng.
Ông Quảng đề nghị Sở Y tế cần có giải pháp xử lý việc người sau hoàn thành cách ly mắc COVID-19; xây dựng kế hoạch xét nghiệm trong thời gian tớixem xét quyết định cách ly F1 tại nhà nếu đủ điều kiện và coi nhà đó là khu cách ly. Đồng thời có biện pháp mạnh đối với trường hợp này, kể cả xử lý nghiêm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu quận Cẩm Lệ dừng khu cách ly phát sinh các ca F0, đồng thời các địa phương khác rà soát các khu cách ly tập trung.
Liên quan đến việc giãn dân ở khu vực có nguy cơ cao, ông Quảng đánh giá cao việc triển khai kịp thời giãn dân ở Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu.
Ông Quảng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn dân phải chuẩn bị tốt các điều kiện sinh hoạt, ăn ở, cách ly cho người dân, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực này; đồng thời xem các khu vực giãn dân như là khu vực cách ly, đảm bảo chế độ người giãn dân và người quản lý được hưởng như ở các khu cách ly tập trung.
Về các biện pháp triển khai sau ngày 5/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương công bố, tuyên truyền rõ nguyên tắc ứng xử tại các vùng vàng, đỏ, xanh.Trong đó, người vùng vàng đi đến vùng xanh, vùng xanh đến vùng vàng theo nguyên tắc 1 cung đường 2 điểm đến, đi từ nhà đến nơi làm việc và không được dừng lại mua bán, thăm hỏi ai.
Theo ông Quảng, trong quá trình triển khai Quyết định 2905/QĐ-UBND, các địa phương, đơn vị sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc vì vậy phải chủ động trao đổi kịp thời với lãnh đạo thành phố.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các cơ quan chức năng nỗ lực hoàn thành việc cấp giấy đi đường trong tối 4/9.
Theo ông Chinh, trong thời gian tới, số lượng vaccine phòng COVID-19 lớn sẽ được cung cấp cho thành phố Đà Nẵng, vì vậy ngành Y tế phải tăng cường nhân lực, vật lực, tổ chức mở ra các điểm tiêm chủng ở các quận, huyện. Trong đó, lãnh đạo các quận, huyện phải chỉ đạo trực tiếp công tác tiêm chủng và huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ tiêm chủng.