Nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn đang ở mức cao
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán và Chính phủ sẽ tiến hành việc này như thế nào, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các cơ quan trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng Hàng không trong nước cũng như một số hãng Hàng không ở nước ngoài tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, theo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn đang ở mức cao do Tết Nguyên đán tới gần, cũng như nhiều trường hợp người lao động, người đi công tác, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn thị thực mong muốn được về nước.
Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam, chia làm hai giai đoạn, bắt đầu từ ngày 15/12. Việc này, theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, nếu được triển khai sẽ góp phần vào việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước phù hợp với nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly ở trong nước.
Triển khai các biện pháp bảo hộ công dân ở nước ngoài
Trả lời câu hỏi về việc triển khai công tác bảo hộ công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar luôn theo dõi sát diễn biến tình hình sở tại cũng như tình hình công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại đây; đồng thời cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân và lãnh sự cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã đề nghị các cơ quan chức năng của Myanmar quan tâm, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam, doanh nghiệp và những người lao động thuộc các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đặc biệt là bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thỏa thuận của hai bên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.
Liên quan đến công tác hồi hương cho 17 thuyền viên Việt Nam gặp nạn trong vụ chìm tàu Huoei Crystal tại vùng biển giáp ranh Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, theo các cơ quan chức năng, vào chiều 1/12, giờ địa phương, khi đang di chuyển trên vùng biển giáp ranh các nước trên, tàu Huoei Crystal, quốc tịch Nhật Bản, treo cờ Panama, trên đó có 18 thuyền viên là người Việt Nam đã gặp sự cố do sóng lớn khiến nước tràn vào tàu và tàu đã bị mất liên lạc ngay sau đó.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đã chủ động, khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại, xác minh thông tin và đề nghị triển khai khẩn cấp các công tác tìm kiếm, cứu nạn cần thiết để đảm bảo tối đa an toàn tính mạng cho các thuyền viên Việt Nam.
Các quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều cho biết là đã triển khai ngay tàu cứu hộ tới hiện trường và đến rạng sáng 2/12, tàu cứu hộ của Hàn Quốc đã cứu được 17 thuyền viên đưa về nhập cảnh an toàn tại Mukho, thành phố Donghae, tỉnh Gangwon, của Hàn Quốc.
Việc tìm kiếm một thuyền viên còn lại đã được các lực lượng bảo vệ bờ biển triển khai tích cực cho đến chiều tối 4/12 nhưng không có kết quả.
Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải và đề nghị chỉ đạo các công ty phái cử liên hệ với thân nhân của các thuyền viên, thông báo tình hình, thăm hỏi, động viên các gia đình thuyền viên, hướng dẫn các thủ tục cần thiết; đồng thời các công ty phái cử cũng phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo công tác hỗ trợ cho các thuyền viên về các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của công dân Việt Nam.
“Chúng tôi được biết, hiện nay, các công ty chủ tàu và bảo hiểm đã liên lạc với các thuyền viên để xác nhận tình trạng và tiến hành công tác bảo hiểm bồi thường theo quy định. Việc hồi hương các thuyền viên sẽ được triển khai theo nguyện vọng của các thuyền viên”, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.