Đây là phần đất bàn giao đợt ba và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao để phục vụ cho việc mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nâng tổng diện tích đất qua xử lý dioxin là 32,4 ha. Đợt bàn giao này đánh dấu việc hoàn thành Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng kéo dài 6 năm, với kinh phí 110 triệu USD, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện.
Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng do USAID tài trợ, triển khai từ tháng 8/2012, được coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ, giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng. Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 m3 đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 m3, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và giai đoạn 2 có nồng độ còn thấp hơn nữa (<1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc hàng chục năm nhưng hậu quả của bom mìn, chất độc hóa học đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của nhiều người dân, ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đặt ra thách thức đối với quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.
Chính vì vậy, Đảng, Chính phủ và cơ quan hữu quan của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách, biện pháp, hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác khắc phục hậu quả chiến tranh; trong đó việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, kể từ năm 2011, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất độc dioxin ở khu vực Sân bay quốc tế Đà Nẵng bằng nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, dự án đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam và đặc biệt là phía Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thực hiện công tác quan trắc môi trường lâu dài sau dự án; đảm bảo duy trì môi trường trong sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm có nghiên cứu, đánh giá khách quan về kết quả, tính hiệu quả của dự án, làm cơ sở xây dựng Báo cáo khoa học tổng thể để công bố quốc tế.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hy vọng ngay trong năm 2019, triển khai cam kết của Lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ sớm được cùng chứng kiến Lễ khởi động Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Cùng với quan hệ ngày càng phát triển giữa hai quốc gia, nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả khác liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam sẽ được triển khai.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink công bố hoàn tất việc xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Việc hoàn thành dự án này là cột mốc đáng kể trong mối quan hệ đang mở rộng giữa hai nước. Dự án này thực sự là một nét đặc trưng tiêu biểu của tầm nhìn được chia sẻ bởi hai nước là trung thực về quá khứ, giải quyết một cách có trách nhiệm các vấn đề còn lại và chuyển một nội dung gây bất đồng thành một nội dung để cộng tác.
Việc bàn giao những phần đất cuối cùng của dự án đã được xử lý cho Bộ Quốc phòng Việt Nam để bàn giao lại cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện để mở rộng thêm sân bay và tăng thêm cơ hội kinh tế cho thành phố Đà Nẵng. USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tiếp tục cộng tác xử lý ô nhiễm điểm nóng dioxin tại sân bay Biên Hòa.