Vụ án bác sĩ phi tang xác khách hàng ở Thẩm mỹ viện Cát Tường đã gây chấn động lớn trong dư luận. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu nêu ra trên diễn đàn và cả bên hành lang Quốc hội ngày 24/10.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng Bộ Y tế, Đoàn TP Hồ Chí Minh): Báo động lớn về y đức
“Vấn đề đạo đức nghề nghiệp, y đức trong thời gian qua rất đáng báo động. Chúng tôi cũng thấy rất là đau đớn, xót xa và với trách nhiệm của người trong ngành tôi cảm thấy nặng nề. Bộ Y tế đang ra một loạt văn bản chỉ thị, tập huấn 6.000 cán bộ bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Chúng tôi cũng đang tìm mọi giải pháp từ giáo dục đến cơ chế, tài chính và cả pháp luật.Vấn đề y đức không chỉ có ngành y tế mà cả xã hội cần đồng lòng tập trung hỗ trợ, lên án hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không chỉ riêng đạo đức trong ngành y mà cả đạo đức con người nói chung.
Tôi cảm thấy đau xót, khổ tâm, day dứt và đang cùng các chuyên gia tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Quản lý có vấn đề
“Sởn gai ốc, hành vi vô nhân tính này lại xảy trong ngành y, với một bác sỹ tương đối trẻ ở một bệnh viện khá lớn, có uy tín ở trong ngành. Y đức đang suy giảm, có những trường hợp không thể chấp nhận được, cho thấy sự vô liêm sỉ, vô đạo đức, chỉ chạy theo lợi nhuận mà không tính tới hậu quả gây ra. Thực sự công tác quản lý đang có vấn đề. Tại sao một cơ sở to như vậy, hoạt động suốt ngày đêm mà lại không được quản lý? Không thể để những chuyện như thế này lặp lại. Cần làm rõ trách nhiệm của ai và xử lý đến nơi đến chốn”.
Đại biểu Trịnh Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre): Tình tiết tăng nặng thấy rõ
“Đã là án hình sự, cơ quan tố tụng phải rất kỹ lưỡng, phải kiểm tra và áp dụng tất cả nghiệp vụ điều tra xác minh xem xét định tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Nhưng cách ứng xử mất đạo đức của vị bác sĩ phi tang xác khách hàng như trên khiến hậu quả nặng hơn và tình tiết tăng nặng rõ hơn. Những người làm ở ngành nghề mà từ trước đến giờ được xã hội trọng vọng tôn vinh, đòi hỏi chuẩn mức đạo đức như với nghề bác sĩ thì xã hội càng quan tâm hơn vì chuẩn mực đạo đức trong nghề nghiệp là cứu người. Sự việc này cho thấy sự báo động về xuống cấp đạo đức, nhất là ở một số ngành nghề thuộc về niềm tin công chúng, tác động đến tình cảm, niềm tin của công chúng rất lớn. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo tôi vẫn là do giáo dục. Vấn đề này đòi hỏi con người khi được giáo dục phải ngấm vào bản thân và trở thành hành vi, nhân cách mà ở tình thế đặc biệt đòi hỏi người đó có sự lựa chọn để thể hiện đạo đức. Đó mới là cái gốc giáo dục thực sự”.
Xuân Cường - Phi Sơn