Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định nợ đọng thuế là căn bệnh của tất cả các tỉnh thành (hiện còn hơn 73.000 tỷ đồng nợ đọng). Ông Phương đặt câu hỏi Bộ trưởng Tài chính làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu, bù lại thất thu đó và có giải pháp gì khắc phục một số nguyên nhân nợ đọng thuế?
Đại biểu Phương nêu một số nguyên nhân như: cấp phép thành lập doanh nghiệp dễ dãi nên khi thua lỗ thì lại đi thành lập doanh nghiệp khác. Ngoài ra, ngành thuế vẫn có một số cá nhân tiêu cực, tiếp tay, thiếu công khai nên nhiều doanh nghiệp chây ì.
Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc lại một loạt giải pháp. Ngoài trách nhiệm của Bộ Tài chính thì các Bộ, ngành địa phương cũng phải tiếp tục cải thiện thể chế. Hiện đã có kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và cấp phép đầu tư, nhưng thực tế chưa có giải pháp tăng cường sau cấp phép từ phía cơ quan cấp phép đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro để chống nợ đọng thuế. Số lượng thanh tra thuế hằng năm lớn và số kiến nghị tăng thu cũng nhiều.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng chất vấn về tình trạng thất thu thuế, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ khắc phục bằng cách hoàn thiện thể chế, thanh tra, kiểm tra, phối hợp các ngành. Bộ trưởng cho biết phải thanh tra, kiểm tra mới phát hiện được chứ không nhận định chủ quan.
Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bộ trưởng cho biết thêm:"Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội thực trạng, nguyên nhân về các khoản thuế khó có khả năng thu hồi hiện đang ở mức khá cao".
Cuối phiên buổi sáng, hàng loạt đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng thất thu thuế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng và hỏi: "Ngành thuế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Có cán bộ thuế bày cách trốn thuế, đi đêm với hộ kinh doanh, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Thực trạng này còn nhiều không, giải pháp là gì?".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề: Ngành thuế mới tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp mà bỏ qua các hộ kinh doanh và các hộ không đăng ký kinh doanh nhưng lại thực hiện hành vi kinh doanh như cho thuê tài sản, thuê nhà... Ông đề xuất, Bộ Tài chính tổng thanh tra toàn bộ các hộ này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
|
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan tới nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế là trọng tâm Bộ triển khai quyết liệt. "Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp, tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban... đôn đốc cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế", Bộ trưởng cho biết.
Số thu nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. 10 tháng năm 2017 đã thu được 39.894 tỷ đồng, đạt 81%. Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu là hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016. Trong cơ cấu chỉ có hơn 37% nợ có khả năng thu hồi, còn lại 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản.
Theo lịch, chiều nay Bộ trưởng Tài chính sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trước khi nhường diễn đàn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Thống đốc sẽ giải đáp các vấn đề về việc điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cũng là nội dung trọng tâm của phiên chất vấn này.