“Trước mắt, các giải pháp có thể được triển khai trong 2 - 3 năm, thậm chí là 5 năm để ổn định nguồn nhân lực, sau đó Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để cải cách, đổi mới các chế độ ưu đãi, lương bổng cho ngành Y tế để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khi Việt Nam có đội ngũ cán bộ y tế đủ mạnh, lúc đó việc dịch chuyển nhân lực từ cơ sở y tế công sang tư nhân sẽ không bị tác động nhiều”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị.
Sau thời gian dài của dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế đã vất vả và có những đóng góp lớn trong việc phòng chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề thu nhập, chế độ đãi ngộ cho ngành Y tế chưa cân xứng so với công sức cán bộ, công chức, người lao động ngành Y tế.
Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận: Nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.
Báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế cho biết: Số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy, có 9.0 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sỹ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác). Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy: Trong 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh (2.035), TP Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (3), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (2), Đồng Tháp (204).
“Đứng về mặt lý thuyết, ở đâu có nhu cầu, có mức chi trả hợp lý so với công sức của người lao động, họ sẽ quan tâm. Tuy nhiên thời gian qua, Chính phủ đã đầu tư nhiều cho các phương tiện, kỹ thuật vật chất cho hệ thống y tế công lập. Nếu ‘làn sóng’ nghỉ việc lớn sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực trong việc vận hành các trang thiết bị chữa bệnh cho người dân”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương trăn trở.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Do đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Liên quan tới tình trạng thiếu hụt xăng dầu thời gian qua, đặc biệt ở trong Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) rất bức xúc và để nghị: Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ban ngành để đời sống, tình hình sản xuất của người dân được thuận lợi hơn.
Trả lời về nguồn cung ứng xăng dầu ở buổi thảo luận sáng 22/10 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đoàn Hải Phòng) khẳng định: Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, cả thế giới điêu đứng trong vấn đề năng lượng, Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt nhưng giá bán lẻ của Nga đã 58 - 60 rúp/lít, tương đương trên 30 nghìn đồng/lít, trong khi đó ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21 - 25 nghìn đồng/lít, ở thời điểm này là 23 nghìn đồng/lít. Với mức giá này, giá xăng dầu của Việt Nam thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia có trợ cấp trong nước, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của Việt Nam.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, biên độ giao động của giá xăng dầu rất cao. Trong 10 kỳ điều hành liên tiếp, khoảng 300 ngày liên tục giảm nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng.
Tính đến ngày 30/9, Việt Nam còn hàng dự trữ thương mại khoảng 2,5 triệu khối; năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng. Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 khoảng 500.000 khối, như vậy trong nước có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9/2022 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi đó, sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
Tuy vậy, “Tư lệnh” ngành Công thương cũng thừa nhận: Nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. “Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng trong kỳ với giá thấp nên bị lỗ, mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy sản xuất về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối và tư nhân phân phối…. Như chi phí bảo quản, dự trữ xăng dầu theo định mức được xây dựng từ năm 2003 chỉ 30 đồng/lít nhưng đến bây giờ ở mức 80 đồng/lít, không doanh nghiệp nào có thể hoạt động được”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, để quản lý mặt hàng này còn có trách nhiệm của 7 bộ, ngành và địa phương. Trong đó 17.000 cửa hàng xăng dầu của các đại lý, tổng đại lý là do địa phương cấp và quản lý.Về giải pháp đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang được đề xuất sửa đổi, những trước khi sửa đổi vẫn phải thực hiện nghiêm theo Nghị định. Doanh nghiệp nào sai đâu xử đó, kể cả thu hồi có thời hạn.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị hình thức xử lý với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, vi phạm lần 1 sẽ phạt tiền, lần 2 vi phạm, phạt tiền cao hơn, lần 3 thì thu hồi vĩnh viễn, không có chuyện phạt cho tồn tại", ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Sau đây là clip các đại biểu phát biểu: