Đại biểu Ngô Thị Kim Yến: Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành y

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến đề xuất Chính phủ xem xét đưa mục tiêu số lượng bác sĩ/vạn dân và điều dưỡng/bác sĩ vào bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội nhằm khắc phục thực trạng đang thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến, đoàn Đà Nẵng.

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến, đoàn Đà Nẵng đánh giá: “Công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cũng như phòng chống các bệnh không lây nhiễm”.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến đã đưa ra thực trạng về hai chỉ tiêu hàng đầu của ngành y tế là số giường bệnh/vạn dân và nhân lực y tế. Cụ thể, chỉ tiêu số giường đã đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân (vượt so với kế hoạch là 27 giường bệnh/vạn dân). Số giường bệnh đã tăng qua các năm, trung bình cả nước đã tăng từ 10- 15.000 giường bệnh/năm (có thể tính tương đương bằng 50- 75 bệnh viện với quy mô 200 giường bệnh được thành lập mới) với mục đích giải quyết tình trạng quá tải, nằm ghép. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra vấn đề tăng bao nhiêu giường bệnh để đạt yêu cầu. Bởi nếu so sánh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới thì tỷ lệ giường bệnh của Việt Nam cao hơn nhiều. Đơn cử như ở các nước phát triển như Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển thì họ lại đặt mục tiêu về giảm giường bệnh: Đan Mạch đã giảm số giường bệnh/vạn dân từ 30,7 xuống còn 21,6 (năm 2017); Anh giảm từ 27,6 giảm xuống còn 25,8 giường bệnh/vạn dân (năm 2017)… Do quy mô giường bệnh/vạn dân thể hiện quy mô cung ứng dịch vụ, nên khi tỷ lệ này tăng tức là chúng ta sử dụng dịch vụ tăng lên.

“Cần phải tính toán, liệu tăng số giường bệnh có phải biện pháp lâu dài để giảm nằm ghép hay mục tiêu lâu dài của hệ thống y tế là phải nâng cao sức khoẻ cộng đồng, dự phòng để bệnh tật không xảy ra hoặc khi xảy ra thì cần được phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, điều trị liên tục… để giảm thời gian nằm viện. Chỉ tiêu giường bệnh cần được xem xét tổng thể trong các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ người dân”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, hiện số bác sĩ/vạn dân của Việt Nam đang quá thấp, mới chỉ đạt 8,6 (năm 2018), ít hơn từ 4- 9 lần so với các nước phát triển. Cụ thể, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của Austalia là 48,3; của Nga là 43, Cuba là 67,2 bác sĩ/vạn dân… Đặc biệt tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng đang diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ 1,8 điều dưỡng/bác sĩ (yêu cầu là phải có từ 3- 3,5 điều dưỡng/bác sĩ), tỷ lệ này thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á; thậm chí đa số là trình độ Trung học (chiếm 66,9%). Bên cạnh việc thiếu hụt số lượng thì chất lượng bác sĩ , điều dưỡng cũng không đồng đều ở các địa phương, từng lĩnh vực. Đặc biệt với cơ chế tài chính như hiện nay thì lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở thiếu tầm trọng đội ngũ bác sĩ.

“Với tình trạng trên, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ xem xét và xác định đưa mục tiêu bác sĩ/vạn dân và chỉ tiêu điều dưỡng/bác sĩ vào bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng được việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, vừa giải quyết được vấn đề về y tế dự phòng, y tế cơ sở; có như vậy mới thực hiện được bảo vệ sức khoẻ người dân một cách bền vững và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất” đại biểu Ngô Thị Kim Yến đề xuất.

Tranh luận về vấn đề thiếu điều điều dưỡng tại các cơ sở y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn Thái Bình cũng cho biết: “Thực tế hiện nguồn lực điều dưỡng hiện nay không thiếu, thậm chí thừa so với nhu cầu. Các cơ sở đào tạo điều dưỡng còn đào tạo cả nhân lực xuất khẩu lao động sang Đức. Tuy nhiên vẫn thiếu do các cơ sở y tế không đủ tiền để chi trả; hiện nay BHYT mới chi trả ở mức 1 cán bộ y tế/giường bệnh, trong khi yêu cầu để chăm sóc toàn diện phải có nhân lực từ 3- 5 điều dưỡng/giường bệnh. Bên cạnh đó giá dịch vụ y tế hiện vẫn chưa tính đúng tính đủ, tuy đã tính mức lượng cơ bản và giá dịch vụ y tế nhưng vẫn chưa đủ dẫn đến các cơ sở y tế công lập không đủ điều kiện để tuyển thêm điều dưỡng”.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV: Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV: Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN