Các đại biểu nhấn mạnh: Khi cơ quan quản lý ban hành quyết định, cần cân nhắc hiệu quả hoặc hậu quả, bởi vấn đề này liên quan đến văn hóa, nhân văn...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề: Bản chất của việc cấp phép là để một ca khúc nào đó được biểu diễn rộng rãi, bảo đảm tính chính trị, không lưu hành những tác phẩm độc hại, hoặc để bảo đảm bản quyền. Quốc ca là tài sản quốc gia, không cần phải cấp phép. Quốc ca là tài sản thiêng liêng của đất nước, bất cứ người dân nào cũng có quyền được hát quốc ca, cần khuyến khích người dân hát quốc ca.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: ''Tiến quân ca'' không còn là bài hát thông thường mà là tài sản chung của đất nước, của dân tộc, được khẳng định trong Hiến pháp - đạo luật quan trọng nhất của đất nước. Tương tự, bài hát ''Như có Bác trong ngày vui đại thắng'' sáng tác của nhạc sỹ Phạm Tuyên chính là tiếng reo vui sau bao năm chia cắt, gắn với hình ảnh lãnh tụ của Việt Nam...
Đại biểu này cũng đặt vấn đề: Liệu ngành quản lý nghệ thuật biểu diễn có cần quan tâm đến tất cả bài hát hay không, khi điều kiện còn hạn chế? Hơn nữa, những tác phẩm này đều đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được Hội đồng quốc gia thẩm định trực tiếp về nội dung, giá trị nghệ thuật, chặt chẽ hơn việc thẩm định một cách hành chính của Cục nghệ thuật biểu diễn.
Thể hiện sự đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, đại biểu Thắng phân tích: Ở đây có hai câu chuyện. Một là về chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý, được quy định trong quy chế hoạt động của các bộ. Nhưng điều cần quan tâm hơn là việc thực hiện nhiệm vụ của Cục nghệ thuật biểu diễn.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Cục nghệ thuật biểu diễn được phép dựa vào các điều Luật để đưa ra những quy định. Tuy nhiên, không thể dựa vào Luật để đưa ra các quy định quá cứng nhắc. Khi cơ quan quản lý ban hành quyết định, cần cân nhắc đến hiệu quả, khía cạnh khác đó là hậu quả, bởi nó liên quan đến văn hoá, nhân văn, thậm chí về mặt chính trị.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Cục nghệ thuật biểu diễn cần có hình thức xin lỗi phù hợp, bởi đây là sai phạm ảnh hưởng đến dư luận và văn hóa xã hội. Cục cần công bố rõ ràng, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Nếu là sai phạm cá nhân, do năng lực trình độ, trách nhiệm, phải xử lý phù hợp và công bố rộng rãi với nhân dân, cử tri.
Trước đó, sáng 23/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26/4/2017.
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.