Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là không nhân văn.
Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết
Các đại biểu đồng ý với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa ở tất cả các lĩnh vực, để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đảm bảo thực hiện nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra được khắc phục theo đúng quy định.
Nhiều đại biểu cho rằng, vi phạm hành chính phải được xử lý đến nơi, đến chốn, nếu không thi hành sẽ phải bị cưỡng chế chứ không phải phạt cho tồn tại. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cần có thêm các giải pháp bổ sung vào hình phạt như các nước đã làm, ví dụ lao động công ích hay công khai danh tính các đơn vị, cá nhân bị xử phạt để tăng tính răn đe, giúp người dân điều chỉnh hành vi, nâng nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật.
Theo đại biểu, hiện nay, ở các địa phương, tình trạng xây dựng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, xây dựng trên đất không được cấp giấy phép xây dựng diễn ra khá nhiều, vì vậy cần bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ phần công trình không có hoặc không đúng với giấy phép, phần công trình không phù hợp với quy hoạch.
Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, quy định biên bản vi phạm hành chính phải lập trong 24 giờ kể từ khi phát hiện vi phạm là rất khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Theo đại biểu, khi phát hiện vi phạm nhưng chưa xác định cá nhân, tổ chức vi phạm, mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, xác định đối tượng vi phạm, củng cố hồ sơ, tài liệu nên chỉ có 24 giờ và 48 giờ với trường hợp phức tạp là khó khả thi.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền. Đại biểu đề nghị cần có đánh giá toàn diện, khoa học về mức tiền phạt tối đa để có khung hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, đủ sức răn đe và phòng ngừa. Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, nếu mức phạt quá thấp sẽ không đem lại hiểu quả, khó khả thi trong thực hiện.
Liên quan đến quyền của người bị xử phạt, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tổ chức, cá nhân không được giải trình vào biên bản vi phạm hành chính. Đại biểu nêu rõ: Được giải trình là quyền của cá nhân, tổ chức vi phạm mà người có thẩm quyền không được từ chối việc này. Có thể, trước lúc lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân chưa kịp giải trình, sau đó mới thấy cần phải giải trình nên họ thực hiện quyền được giải trình của mình.
Đồng tình với quy định nâng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người kiến nghị cần nâng cao mức phạt. Đại biểu Mai Hoa ủng hộ bổ sung hình phạt buộc lao động công ích. Đại biểu cho rằng, hình thức này sẽ tác động trực tiếp đến người vi phạm, khiến họ suy nghĩ về hành vi vi phạm của mình, qua đó nhận thức, sửa chữa hành vi vi phạm. Hình phạt này còn tác động đến nhận thức chung của cộng đồng.
Cơ sở của đề xuất này, theo đại biểu Mai Hoa, là có những trường hợp vi phạm phạt tiền không mấy tác dụng do người vi phạm có điều kiện, sẵn sàng nộp tiền. Hơn nữa, trong một số trường hợp không loại trừ, chính nạn nhân lại phải đóng tiền nộp phạt, ví dụ như các hành vi bạo lực gia đình khi bị xử phạt, nạn nhân có thể bị chịu tác động kép do phải đưa tiền cho người vi phạm đi nộp phạt.
Liên quan đến người nghiện ma túy, theo đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông), đối với người nghiện ma túy cần có chính sách cai nghiện cho họ, chứ không phải là hình phạt và không đưa người nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, người nghiện ma túy phải được áp dụng các biện pháp để cai nghiện. Cho rằng, các quy định mang tính tổng thể về cai nghiện ma túy được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị chuyển việc xem xét dự án luật từ Kỳ họp thứ 10 sang Kỳ họp thứ 11 cho phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy để bảo đảm tính tổng thể, tính thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, giải quyết hài hòa mối quan hệ phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực trong thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Cách tiếp cận của dự thảo luật như hiện nay là ngày càng nâng cao mức phạt tiền tối đa trên các lĩnh vực cụ thể, nếu chỉ xét riêng về mức phạt tiền sẽ hợp lý nhưng nếu đặt trong mối quan hệ hành pháp - tư pháp cần cân nhắc, các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa có sự thay đổi nhiều.
Có nên bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước?
Liên quan đến bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tính toán kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại của tổ chức, cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, việc ngưng cung cấp điện, nước sẽ dẫn đến hư hỏng tài sản máy móc sản phẩm thiết bị của đối tượng bị xử lý, những người liên quan thậm chí cả những người không liên quan ở mức lớn hơn nhiều so với yêu cầu cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp này chỉ nên áp dụng với các hành vi trong xây dựng, dịch vụ vui chơi giải trí, sản xuất kinh doanh hàng giả hàng cấm và các thủ tục áp dụng biện pháp này.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, quy định một số biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp, điện nước, đối với các nhân vi phạm là chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm theo quy định trong Bộ luật Dân sự.
Theo đại biểu, dịch vụ cung cấp điện nước là sự thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng cung cấp dịch vụ này phải đảm bảo theo hợp đồng giữa các bên tham gia. Do đó, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này, điện nước không phải là tang vật, phương tiện sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ cưỡng chế được.
“Nếu bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước, tại sao không bổ sung cả hình thức ngừng cung cấp cả dịch vụ viễn thông. Bởi, thời đại 4.0, các dịch vụ viễn thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiếu dịch vụ viễn thông sẽ làm tê liệt hệ thống", đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thể hiện sự bất lực của công tác quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp không có tính nhân văn vì có những người không liên quan đến vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm.
"Làm luật phải phù hợp với thực tiễn, nóng 39 - 40 độ C mà cắt điện là không nên. Biện pháp này chỉ nên quy định đối với lĩnh vực xây dựng chứ không nên áp dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh", đại biểu nêu ý kiến.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc bổ sung hình thức xử phạt trên là cần thiết để người dân buộc phải nâng cao ý thức, hạn chế vi phạm. Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) tán thành việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đại biểu, quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính...