Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Rà soát để tránh chồng chéo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 9/142 điều, bổ sung mới 3 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật hiện hành.
Đáng chú ý, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, sửa đổi tên của một số lĩnh vực như quy định của dự thảo Luật; nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát để tránh chồng chéo về phạm vi của các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc chỉ nâng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực như dự thảo Luật là chưa bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó. Để bảo đảm hiệu quả, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu quy định mức phạt phù hợp đối với từng hành vi vi phạm tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính mà chưa cần thiết phải nâng mức phạt tối đa theo lĩnh vực như thực tế đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thời gian qua.
Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu tăng cường mức xử phạt hành chính bằng tiền thì tác động đối với xã hội tốt hơn là xử phạt hình sự. Tuy nhiên, phải đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, hiện nay, để xử lý các vi phạm pháp luật, có 4 loại chế tài: Chế tài hình sự; chế tài hành chính; chế tài dân sự; chế tài kỷ luật. Trong đó, hình sự là loại chế tài cao nhất và nghiêm khắc nhất. Một nguyên tắc lớn nhất phải tuân theo giữa hình sự và hành chính là lúc nào thì xử phạt hình sự và lúc nào thì xử phạt hành chính. Tiêu chí nào để xử phạt hành chính, tiêu chí nào để xử lý hình sự phải tuyệt đối tuân thủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, nếu tăng cường mức xử phạt hành chính bằng tiền thì tác động đối với xã hội tốt hơn là xử lý hình sự.
Ý nghĩa của mức phạt tiền hình sự và hành chính là khác nhau. Bởi với cùng một mức phạt tiền, ảnh hưởng của phạt hành chính khác với hình sự vì liên quan đến quy trình tố tụng tư pháp, án tích, nhân thân;. Cho rằng không nhất thiết cứ xử phạt tiền thì hành chính phải thấp hơn hình sự, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, phải bảo đảm tính tương đối, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại trong hệ thống pháp luật hiện nay để bảo đảm không chồng chéo.
Cân nhắc việc cắt điện, nước để xử phạt vi phạm hành chính
Một vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp lần này là việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” (dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này). Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Về vấn đề này, trong Ủy ban Pháp luật còn có ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời”. Quy định như vậy cũng là luật hóa biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đã từng được quy định ở văn bản dưới luật (Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng) để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép.
Mặt khác, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là “nguyên liệu” quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên áp dụng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Hơn nữa, Luật hiện hành đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính “trực tiếp”.
Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất, bổ sung biện pháp cưỡng chế này để có thêm công cụ hữu hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã áp dụng các biện pháp hiện hành như đề xuất trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị thu hẹp trường hợp áp dụng biện pháp này theo hướng chỉ áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.