Bên cạnh đó việc xét xử trực tuyến còn khó khăn do trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế.
Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh
Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) về giải pháp nào đề nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong xét xử vẫn có hiện tượng nể nang, né tránh.
“Tuy nhiên số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xét xử.
Chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đặt câu hỏi: Theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, đề nghị Chánh án TANDTC cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này? Thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TANDTC đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, TANDTC đang trình 1 dự án Luật về tư pháp người chưa thành niên. Hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới đã có luật chuyên biệt về vấn đề này. Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là 1 trong 2 quốc gia ở châu Á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến còn hạn chế
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: TANDTC đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương…
Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.
Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, Chánh án TANDTC đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo ra áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TANDTC mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.
Về việc các vụ việc, vụ án quá thời hạn là do nguyên nhân chủ quan, Chánh án TANDTC cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.
“Tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu. Một số nguyên nhân chủ quan khác là về năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, hoặc do các yếu tố chủ quan khác. Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này trong thời gian tới”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.