Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An): Một số quy định đã có trong luật khác
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia rất cần thiết trong bối cảnh người Việt Nam, đặc biệt là giới thanh niên, có tình trạng lạm dụng khi sử dụng rượu, bia. Rượu bia đã gây ra nhiều tác hại về giao thông, ảnh hưởng sức khỏe thể chất của người dân.
Tuy nhiên, nội dung dự luật có 2 điều quan trọng mà tôi quan tâm liên quan đến các giải pháp giảm tác hại của rượu bia: 1 là giải pháp chế tài bắt buộc, 2 là tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân.
Đối với các giải pháp mang tính cấm, dự luật có một số nội dung chưa phù hợp, thiếu sự đánh giá tác động. Ví dụ quy định hạn chế quảng cáo, một số điều không công bằng với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác. Quảng cáo đồ uống mà không cho hình ảnh uống, hay đưa ra yêu cầu mang tính định tính như bắt buộc quảng cáo không thể hiện sự thu hút hay tạo sự quyến rũ về giới tính… Quy định này rất khó đánh giá, thiếu cơ sở.
Các địa điểm bị cấm kinh doanh cũng cần nghiên cứu lại. Nhiều quy định đã được các luật khác quy định rồi như Luật Thương mại đã quy định kinh doanh đồ uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh, ghi nhãn hiệu hàng hóa… Như vậy có quy định thì thừa, có quy định đặt ra lại trái với các luật khác.
Là một đại biểu Quốc hội, tôi sẽ đứng ở vị trí trung gian, cân nhắc các tác động về mặt kinh tế cũng như xã hội của dự luật này để góp ý, làm sao để luật khi được ban hành sẽ có lợi ích với xã hội, đi được vào cuộc sống.
Đại biểu Phan Thái Bình, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Luật phải hài hòa lợi ích
Tôi không nghĩ có mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội khi ban hành luật này. Lợi ích kinh tế quan trọng, sức khỏe cộng đồng còn quan trọng hơn, phải hài hòa.
Luật phải đảm bảo nguyên tắc: không phải tác hại của rượu bia mà lạm dụng rượu bia mới có tác hại. Quan điểm là phải đổi tên Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Nếu sử dụng đúng mực thì không vấn đề.
Tất nhiên một số chỗ phải cấm là đúng như cấm bán với trẻ em, phụ nữ có thai, cơ sở y tế, trường học… kể cả việc quảng cáo vào giờ nào, giờ nào cấm là đúng.
Luật phải hài hòa lợi ích, đảm bảo thông lệ chung, quan trọng nhất là kiểm soát cho được buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng, rượu thủ công. Xem xét tác hại của lạm dụng rượu bia phải tách riêng ra. Rượu khác với bia, không thể đánh đồng với nhau.
Thứ nữa là có cơ chế chính sách quản lý tách bạch giữa rượu và bia bởi rượu thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện còn bia thì không, nếu gộp chung một nhóm thì bất hợp lý.