Nhiều quy định gây tranh cãi
Mặc dù đa số các ý kiến đều đồng tình về sự cần thiết ban hành luật để ngăn ngừa việc lạm dụng rượu, bia, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội, tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều băn khoăn về dự án luật này.
Ngay từ tên gọi của dự án luật đã có nhiều ý kiến tranh luận. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, tên gọi của dự luật chứa đựng sự bất hợp lý.
Theo luật sư này, tên của dự luật không đúng, dẫn đến nhiều vấn đề khác trong nội dung bị nhầm lẫn, thiếu tính rõ ràng. Đặt tên “phòng, chống” sẽ gây nhầm lẫn, gây tâm lý ác cảm coi rượu bia là độc hại, mà trên thực tế độc hại là do sử dụng quá liều lượng và không bảo đảm chất lượng.
“Tác hại của rượu, bia chỉ là phụ, là thứ yếu và không nên lấy ra để đặt tên cho luật. Cách đặt tên luật như vậy kéo theo nội dung của luật cũng có vấn đề, không chuẩn mực, không đúng và thiếu tính logic…”, ông Đức phân tích.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, dùng từ “phòng, chống” bia, rượu trong tên của dự luật giống như các sản phẩm khác như thuốc lá, ma túy… là không chính xác.
Do đó, theo một số chuyên gia, nên đổi tên dự luật là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng, chống tác hại trong lạm dụng đồ uống có cồn, hoặc tên là Luật Quản lý rượu, bia…
Bên cạnh đó, một số quy định trong dự luật nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia cũng gây tranh cãi. Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp (DN) quan tâm là quy định cấm khuyến mại, quảng cáo, tài trợ đối với bia rượu dưới 5,5 độ cồn trong dự thảo luật.
Cụ thể, dự luật cấm quảng cáo ngoài trời và trên trang thông tin điện tử với rượu bia dưới 5,5 độ cồn (trừ trang thông tin của chính DN). Việc quảng cáo đối với rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự luật sẽ khó đi vào cuộc sống do có thể không phù hợp cam kết quốc tế. "Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã thông qua, chúng tôi thẩm tra thấy chi phí quảng cáo không bị giới hạn 15% nữa mà được tính trong thu nhập chịu thuế dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Vậy việc cấm quảng cáo có đúng không?", ông Trần Quang Chiểu đặt câu hỏi.
Về quy định không được bán rượu, bia trên mạng Internet và máy bán hàng tự động, nhiều ý kiến cho rằng điều này không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử.
Hơn nữa, việc mua bán trên Internet mang lại một số lợi ích nhất định, ví dụ như hạn chế người sử dụng đồ uống có cồn trước tuổi do việc mua bán trên Internet có thể yêu cầu người mua chứng minh mình trên 18 tuổi và có tài khoản ngân hàng, cũng như ngăn chặn DN trốn thuế.
Xung đột giữa lợi ích kinh tế và xã hội
Quan điểm của cơ quan soạn thảo luật - Bộ Y tế, là cần có những giải pháp mạnh mẽ để hạn chế tác hại không mong muốn của bia rượu.
"Giữa lợi ích về kinh tế, lợi ích sức khỏe, lợi ích xã hội đã có phép so sánh. Việc xây dựng Luật cần đứng trên quan điểm phát triển bền vững, tức là dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe phải đóng vai trò nền tảng”, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu quan điểm.
Theo ông Quang, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để thực hiện các cam kết với quốc tế, so với luật các nước khác còn chưa đủ nghiêm khắc. Việc xây dựng luật vẫn bị giằng xé giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về các điều của dự án luật nhưng Bộ Y tế sẽ điều chỉnh bằng mọi cách để Quốc hội thông qua luật càng sớm càng tốt.
Về tính cần thiết của luật này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới và bệnh tật từ bia, rượu cũng rất nhiều, tác hại của rượu bia gây tai nạn giao thông đang ở mức báo động. Trong khi đó, thu nhập của người dân còn thấp.
Vì vậy, khi được giao soạn thảo dự án luật này, Bộ Y tế hướng đến mục đích là phòng chống tác hại của rượu bia.
Về phạm vi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận luật sẽ đụng chạm rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là DN do không được quảng cáo quá nhiều, không được bán 24/24 nhưng luật không cấm sản xuất, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh mà chỉ cố gắng giảm tính tiếp cận của người dân với rượu, bia, từ đó giảm tác hại lên sức khoẻ con người.
Sáng 9/11, sau khi Bộ Y tế trình dự thảo luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về cơ bản, hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách về các phương diện xã hội, tài chính, nhân lực và thủ tục hành chính phát sinh trong dự thảo Luật; đánh giá chi tiết hơn tính thống nhất của dự thảo Luật với một số luật có liên quan cũng như sự tương thích với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các điều ước quốc tế khác...
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết: Dự án luật lần đầu được trình trước Quốc hội, đối tượng điều chỉnh là mặt hàng bia, rượu vốn rất gần gũi với đời sống người dân, do đó việc có nhiều ý kiến khác nhau là điều dễ hiểu.
Ông Cường tin tưởng các đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án luật, góp phần chống lạm dụng rượu bia, xây dựng văn hóa uống lành mạnh trong xã hội.
Dự kiến trong tuần sau, Quốc hội sẽ chính thức thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.