Liên quan đến việc mua-bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH Đồng Tháp chất vấn: Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng miếng bán ở “chợ đen”. Ngân hàng cần xem xét việc mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.
Về vấn đề về huy động vốn từ kiều hối, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn; tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, trong khi lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn. Vì sao Ngân hàng không vay từ người dân, để tạo động lực cho người dân gửi tiền về Việt Nam?
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Về mua vàng, các tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu về bình ổn thị trường, chỉ mua khi các tổ chức tín dụng bán vàng. Với mua vàng, không như ngoại tệ, phải kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng, cũng là khó khăn. Các tổ chức cũng phải đầu tư con người, thiết bị… có thể gặp rủi ro về chất lượng vàng.
Chúng tôi sẽ cân nhắc, tới đây, những đề xuất mới về thị trường vàng miếng, sẽ có giải pháp để xử lý vấn đề trên.
Tuy nhiên, hiện 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có chi nhánh giao dịch vàng ở nhiều nơi. Việc doanh nghiệp không mua có thể do một số nguyên nhân, nhất là biến động giá vàng rất cao. Họ bán hay mua cũng phải cân nhắc, đề phòng ngừa rủi ro. Với mặt hàng vàng, Ngân hàng nhà nước cũng khuyến cáo, thị trường biến động khó lường phức tạp, có thể chịu rủi ro.
Cũng liên quan đến mua bán vàng, Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước; quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề này?
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời: Một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng. Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng; hơn nữa Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng.
Như vậy, để thành lập sàn giao dịch vàng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam...