Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, kế hoạch này có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với cột mốc 2030 và 2045. “Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho một chặng bay mới, có người còn gọi là đổi mới vòng hai, thì 10 năm tới đây đất nước ta phải cất cánh và đạt được bình độ cần có, phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Trên cơ sở nhìn nhận trên, đại biểu cho rằng, 5 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay không cất cánh được, hay cất cánh không đủ tốc độ và cao độ, thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết và khi đó khát vọng sẽ mãi mãi chỉ là khát vọng.
Để đạt được các cột mốc phát triển, theo đại biểu, phải giải quyết một loạt bài toán về tăng trưởng; tài chính ngân sách; bảo vệ chủ quyền, an ninh; nhà nước pháp quyền; bảo đảm quyền dân và huy động sức dân; đồng thời phải có giải pháp, kế hoạch hành động để xây dựng như những đề án khả thi, khoa học và cụ thể. Trên mọi phương diện, loài người, trong đó có Việt Nam, không thể sống và tồn tại theo cách thức như trước, không thể xây dựng các mục tiêu như cũ, cơ chế và phương thức thực hiện cũng phải thay đổi. Tuy nhiên, nội dung này chưa được thể hiện rõ trong kế hoạch 5 năm tới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, SARS-CoV-2 hay biến thể của virus này có thể phá sản mọi dự tính, tham vọng của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên, đuổi kịp các nước phát triển nếu quốc gia đó có chiến lược khôn ngoan, có bộ máy lãnh đạo năng lực, liêm khiết, giữ được niềm tin và biết cách phát huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân mình.
Đối với bài toán tăng trưởng, đại biểu đề nghị bổ sung vào phương châm phát triển là phát triển nhanh, bền vững và tự chủ. Tự chủ là đặc thù của giai đoạn bình thường mới. Tự chủ không phải là độc lập hay quay về bảo hộ. Tự chủ cái gì và như thế nào còn phải bàn sâu và kỹ hơn. Đại biểu đề nghị rà soát lại toàn bộ nội dung của 3 khu vực kinh tế, xây dựng lại phù hợp với điều kiện bình thường mới.
Lấy ví dụ để mở cửa thị trường du lịch, Nhật Bản đã đầu tư xét nghiệm COVID-19 tại sân bay cho khoảng 10.000 người/ngày và có kết quả trong vòng 6 giờ, tiến tới giảm xuống chỉ còn 2 giờ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề “chúng ta là nước nghèo thì áp dụng kinh nghiệm này như thế nào, làm sao bảo đảm an toàn khi khách du lịch tỏa đi khắp các đô thị, các vùng miền và hợp tác ra sao với từng quốc gia có nguồn khách du lịch”. Theo ông, du lịch không khôi phục thì hàng không và hàng loạt các ngành kinh tế khác cũng có nguy cơ suy sụp.
Nhấn mạnh, chúng ta không thể đặt các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu theo cách cũ, bởi sức mua và cách thức tiêu thụ của các thị trường lớn đã thay đổi, phải có chính sách để khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, đại biểu thẳng thắn chỉ ra “chúng ta còn lúng túng, còn sơ lược về giải pháp khi đề ra các mục tiêu cho lĩnh vực này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu hợp tác toàn diện, lâu dài cùng có lợi với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, ASEAN và Nga, củng cố niềm tin chiến lược với họ thì chúng ta có thể đạt được các cột mốc đề ra đến năm 2045, đồng thời giữ vững được tự chủ kinh tế, chủ quyền, an ninh quốc gia”.
Đối với bài toán tài chính ngân sách, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lo lắng của cử tri khi điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng cao một loạt tiêu chí như bội chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài. Việc này tạo ra dư địa cho vay nợ và chi ngân sách, nhưng cũng có thể là dư địa cho lãng phí, kém hiệu quả hay tham nhũng trong đầu tư công. Theo đại biểu, điều cốt tử của vấn đề ngân sách là tạo ra nguồn thu, kiểm soát thu chi, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Làm tốt những việc trên thì không sợ nâng trần bội chi, nợ công. Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để cử tri yên tâm.
Trong điều kiện bình thường mới và hậu quả của lũ lụt vừa qua, vấn đề an sinh xã hội trong 5 năm tới là một yêu cầu cấp bách và quan trọng, có thể làm phá sản kế hoạch phát triển nếu xảy ra khủng hoảng về an sinh. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn.
Về quốc phòng, an ninh, đại biểu nêu rõ “đối với một số nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý, nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật, lực lượng vũ trang phải tinh nhuệ và hiện đại.
Về bài toán nhà nước pháp quyền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị tăng cường kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp 2013. Trong điều kiện Việt Nam, vai trò kiểm soát quyền lực thông qua Quốc hội là rất quan trọng, khi có cơ cấu đại biểu Quốc hội hợp lý, đủ trình độ và phẩm chất, có trách nhiệm công bộc đầy đủ, Quốc hội là nơi thể hiện rõ và thực chất nhất phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy những thành tựu cải cách tư pháp, có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém dai dẳng để cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi tư duy và thói quen cũ, kiên quyết thực hiện những tiến bộ đã hiến định trong Hiến pháp 2013.
Ông cũng nêu lên bài toán bảo đảm quyền dân và huy động sức dân với quan điểm càng bảo đảm tốt quyền dân thì càng huy động được nhiều sức dân cho mục tiêu phát triển, theo đúng huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ban hành một chính sách, quyết định thực hiện mọi hành vi, Đảng và Nhà nước phải đặt lợi ích của người dân lên trên, lên trước, khi gặp trở ngại thì phải tin dân, xin ý kiến, thuyết phục và giải thích cho người dân. Chỉ áp dụng mệnh lệnh, cưỡng chế hay chế tài trong những trường hợp hạn chế, thực sự cần thiết theo luật định và phải nghiêm trị mọi hành vi, biểu hiện nhũng nhiễu, vô cảm, hách dịch, xúc phạm, xâm hại tính mạng, nhân phẩm, danh dự, lợi ích của người dân và cán bộ, công chức. Giải quyết tốt và hiệu quả 5 bài toán trên, kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 mới có thể tạo được động lực, nguồn lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo.