Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho biết: Con số vượt gần 8.000 biên chế này "rất đáng giật mình".
"Đáng suy nghĩ trong bối cảnh tình hình kinh tế của nước ta hiện nay. Biên chế thừa ra như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", đại biểu Hà chia sẻ.
Liên quan đến công tác đánh giá cán bộ để tinh giản, theo ông Hà, mới ở bước đầu nên còn chưa được nề nếp, có những cái chưa chuẩn xác. Đánh giá 1 con người rất khó, nhất là ở Việt Nam vốn có truyền thống trọng tình cảm.
“Sông sâu dễ dò, lòng người khó đo. Đánh giá để tinh giản biên chế không thể vội vàng vì nếu vội vàng có thể dẫn đến sai sót. Tuy nhiên, trước yêu cầu, chủ trương của Đảng và Chính phủ thì những người đứng đầu đơn vị, tổ chức vẫn phải làm công tác này quyết liệt và sâu sát hơn", đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị: Tất cả thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên theo bà Ánh, khi sắp xếp tinh giản biên chế phải tính toán cả tình và lý để không gây xáo trộn quá lớn trong xã hội. Những đối tượng yếu kém thì phải kiên quyết loại bỏ. Các đối tượng khác phải xem xét tính đến sự cống hiến lâu năm trong nghề hoặc trường hợp còn vài tháng nữa là về hưu…
Cũng theo đại biểu Ánh, đánh giá công chức rất quan trọng. Không những đánh giá năm mà còn đánh giá tháng theo hiệu quả làm việc.
Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết việc xác định như thế nào là cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản còn khó khăn. Tiêu chí chưa cụ thể nên đánh giá khó. Hiện nay, chủ yếu giảm cơ học những người đến tuổi về hưu. Còn chưa đánh giá được những người không hoàn thành nhiệm vụ để giảm biên chế.
"Đánh giá phải có tiêu chí cụ thể. Hiện thiếu tiêu chí đánh giá định lượng mà chủ yếu đánh giá theo cảm tính, định tính", đại biểu Tiến cho hay.
Trước đó, trong buổi
giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 ngày 27/5, thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết: Hiện có 11 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.