Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị): Cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi
Thực ra, có 3 vấn đề rất lớn liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này và nổi cộm nhất vẫn là vấn đề xung quanh tuổi nghỉ hưu. Liên quan đến vấn đề này, tôi cho rằng đã đến lúc cần xem xét và đưa vào Bộ luật Lao động để có lộ trình cụ thể.
Bởi việc tăng tuổi nghỉ hưu phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kinh tế - xã hội và nhất là trình độ phát triển của kinh tế - xã hội, cơ cấu độ tuổi, sức khỏe của người lao động và cân bằng giữa nhu cầu lao động và nghỉ ngơi.
Đến thời điểm này, tuổi nghỉ hưu đã được quy định cách đây nhiều chục năm và nhất là liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Từ năm 1945, tại sắc lệnh số 54 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, tức là tuổi nghỉ hưu với nam là 60 và nữ là 55. Tại thời điểm đó, tuổi thọ bình quân chỉ đạt khoảng 55 - 56 tuổi.
Tuy nhiên, đến nay, tuổi thọ bình quân đã tăng lên 74 và nhóm người cao tuổi từ 55 trở lên hiện nay đã tăng lên trên dưới 80 tuổi. Vì vậy, thời điểm này vẫn chưa tăng tuổi nghỉ hưu, theo tôi cũng không phải là điều hợp lý.
Ngoài ra, trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm này cao hơn nhiều chục lần so với những năm 1960. Vậy nên, khả năng sử dụng lao động cao hơn rất nhiều.
Hơn nữa, Việt Nam đang bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Do vậy, nếu không có hướng điều chỉnh ngay từ bây giờ thì sẽ tiếp tục xảy ra như các nước láng giềng Malaysia, Hàn Quốc, Singapore hay nhất là các nước châu Âu đang thiếu lao động trầm trọng.
Vì thế, nếu không có sự điều chỉnh sẽ không thể thu hút lao động từ các nơi khác quay về Việt Nam làm việc được. Do vậy, cần phải có lộ trình phù hợp để tránh tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Cần lộ trình cụ thể
Việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp vì xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội theo khả năng làm việc của mỗi người lao động.
Trong dự thảo luật có quy định không phải tăng đồng loạt mà tăng phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp vì có những nghề không thích ứng tuổi cao thì dự thảo luật quy định không tăng lên. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì chủ trương tăng và cách thức đưa ra về việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp.
Hiện tại, có luồng ý kiến cho rằng nên đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu 3 - 4 tháng/năm, để người lao động thích ứng dần dần. Tuy nhiên, có quan điểm nếu chỉ tăng 3 - 4 tháng thì dẫn đến việc người lao động rơi vào trạng thái tâm lý làm thêm không thật sự tâm huyết.
Vì vậy, tôi cho rằng nên rút ngắn lộ trình bằng cách mỗi năm tăng 6 tháng thì người lao động có thêm thời gian tâm huyết cống hiến.
Riêng với giờ làm thêm tăng lên mức 300 - 400 giờ/năm, nhưng hiện năng suất lao động chưa tăng cao đồng đều nên có ngành, lĩnh vực có thể có năng suất lao động tăng cao nên phải rút ngắn thời gian làm ít hơn.
Do đó, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất phương án giảm giờ làm việc bắt buộc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, vừa khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm lợi ích cho người lao động.
Bởi trong xu thế lao động phát triển, giảm giờ làm bắt buộc là đề xuất khá phù hợp. Khi giảm thời gian bắt buộc thì nên mở rộng thời gian làm việc thêm giờ, tạo sự lựa chọn cho các ngành, lĩnh vực để bảo đảm thời gian làm việc nhiều hơn. Mặt khác, trong việc tăng giờ làm thêm, ý kiến vẫn chưa được thống nhất là tăng theo tuần, tháng hay năm…
Tôi cho rằng, nếu giới hạn từng tháng bảo đảm tính chất điều độ nhân lực nhưng khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực đang sử dụng lao động thủ công như có tính mùa vụ, chế biến nông sản, may mặc…
Nếu tập trung vào mùa vụ mà không tăng số lượng người lao động thì đó là lúc không đủ lao động hoàn thành công việc. Vì vậy, đề xuất của doanh nghiệp không nên giới hạn theo tháng là đề xuất hợp lý nhưng nên giữ giới hạn theo ngày.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa): Tiền đề để cải cách tiền lương
Năm ngoái tiền lương cơ sở đã tăng bình quân 7%, năm nay nếu nâng thêm 110.000 đồng tức tăng 7,3% là đúng như tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (Nghị quyết 27). Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cân đối nguồn ngân sách cải cách tiền lương từ đâu.
Ngoài những đề xuất của Chính phủ là giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách thì Chính phủ cần lưu ý Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 18 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng và Nghị quyết 19 -NQ/TW về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập thì phải dùng tiền tinh giảm biên chế, không dùng quỹ lương của Nhà nước để bổ sung vào nguồn cải cách chính sách tiền lương.
Nếu chúng ta thực hiện được nâng mức lương cơ sở cho khu vực hành chính sự nghiệp vào năm 2020 thì sẽ có cơ hội cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết 27.
Vấn đề quan trọng hiện nay theo báo cáo của Chính phủ là tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức bộ máy chính trị theo báo cáo của Bộ Nội vụ là rất chậm và hiệu quả chưa cao.
Điều này tác động rất lớn đến việc cải cách chính sách tiền lương và nhất là năm 2021 sẽ tiến hành cải cách chính sách tiền lương. Nếu bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi và nếu bộ máy cứ phình ra thì câu chuyên lạm phát về tiền lương sẽ xảy ra.
Đặc biệt, cải cách chính sách tiền lương tốt thì Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, nhất là sắp xếp lại các đơn vị công lập, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tự chủ tự chịu trách nhiệm thì mới giảm chi thường xuyên, tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương.