Thủ tướng đã cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và các thày cô giáo tham quan hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và khu đô thị Ký túc xá của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe khách.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm tổ hợp 6 trường Đại học thành viên (Trường Đại học Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế - Luật, Quốc tế, Công nghệ Thông tin), Viện Môi trường và Tài nguyên), một khoa trực thuộc (khoa Y) và hơn 30 đơn vị trực thuộc gồm các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyền giao công nghệ, đào tạo và phục vụ đào tạo...Trong số này, mô hình trường đại học công lập quốc tế, tự chủ tài chính - Đại học Quốc tế đang là một điểm sáng của nhà trường và nền giáo dục đại học trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Với gần 5.700 cán bộ, công chức; trong đó có 350 Giáo sư và Phó Giáo sư, 1.200 Tiến sĩ, trên 2.100 Thạc sĩ, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo lên tới hơn 60.000 sinh viên đại học và sau đại học. Mục tiêu chiến lược của cơ sở giáo dục quy mô lớn này là phát triển và hoàn thiện mô hình tổ hợp/hệ thống hiện đại trên nền tảng tự chủ đại học thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình xã hội thật sự.
Theo công bố của Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á, năm 2016, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu lọt vào top 150 Đại học tốt nhất châu Á; xếp thứ 147, tăng 5 bậc so với năm 2015 (hạng 201). Đáng chú ý, các hợp đồng chuyển giao công nghệ đem lại mức tăng trưởng của Trường năm 2015 đạt 165,4 tỷ đồng và ngày càng được xã hội công nhận và quan tâm.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước trên diện tích 643,7 ha tại khu quy hoạch Thủ Đức - Dĩ An, nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2016, diện tích đã giải phóng mặt bằng và được nhận bàn giao là 470,5 ha, đạt 73%. Cơ sở giáo dục này cũng đang đi tiên phong trong chương trình xây dựng ký túc xá bằng nguồn vốn TPCP và xã hội hóa với một hệ thống ký túc xá đặt tại khu Đô thị đại học có sức chứa 53.000 chỗ. Tuy vậy, vẫn tồn tại một khó khăn lớn trong công tác đền bù, khiến cho dự án chưa thể hoàn tất thu hồi mặt bằng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu lớn nhất, mang tính bao trùm là phải đảm bảo thực hiện thành công cơ chế tự chủ đại học tại Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh một cách đầy đủ, đúng nghĩa, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. “Tự chủ nhưng chú trọng đến trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu ra một thông điệp và cũng là một chỉ đạo quyết liệt là phải nỗ lực hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động phục vụ công tác đào tạo. Muốn vậy, các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tích cực phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này, không để kéo dài.
Thủ tướng khuyến khích việc xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực đầu tư vào Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng, cái gì xã hội làm được thì để cho xã hội làm; đi cùng với tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu khoa học. Thủ tướng cũng mong muốn nhà trường có cơ chế vận động, khuyến khích đội ngũ tri thức Việt Kiều đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước.
Cho rằng, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đúng hướng, Thủ tướng đánh giá cao mô hình đô thị Đại học đầu tiên của cả nước được xây dựng tại đây. Thủ tướng kỳ vọng Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu lọt vào danh sách các đại học tốp đầu Châu Á, thực sự trở thành nơi hội tụ văn hóa, tri thức và đặc biệt là trở thành nơi khởi nguồn của ước mơ khởi nghiệp.
Khẳng định, Chính phủ và các các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương (trước hết là UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương) sẽ luôn sát cánh, ủng hộ Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hết sức quan tâm đến sự phát triển của cơ sở giáo dục này; lắng nghe và xử lý kịp thời về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ nhanh các vướng mắc để Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, đi lên, xứng đáng với vị thế là cánh chim đầu đàn của nền giáo dục đại học Việt Nam.