Tại họp báo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, Đại hội đã thành công tốt đẹp, quyết định những nội dung, nhiệm vụ quan trọng, trong đó xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ tới, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ tiêu cũng như 3 khâu đột phá trong chương trình Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước. Đại hội đã tập trung sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Việc lựa chọn nhân sự, bầu cử được thực hiện dân chủ, khách quan. Trên cơ sở tín nhiệm và sự chuẩn bị của các cấp Công đoàn, Đại hội đã lựa chọn 185 người để xem xét bầu 166 người vào Ban Chấp hành khóa mới. Trước khi bầu, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức lấy phiếu kín, trên cơ sở đó chỉ có 161 người quá bán/946 phiếu giới thiệu, lựa chọn.
Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Cho biết những định hướng trong triển khai chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, tinh thần chung của Báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn khóa XI trình Đại hội XII đều thể hiện định hướng Công đoàn tham gia những công việc trên. Theo đó, Công đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người lao động thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình nâng cao cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ của người lao động để mang lại lợi ích cho người lao động, gia đình người lao động, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Công đoàn tham gia xây dựng trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thông qua các hoạt động tuyên truyền, hình thành quỹ học bổng dành cho người lao động, đặc biệt là các chương trình nâng cao kỹ năng mềm giúp người lao động thích ứng được trong tình hình mới; tuyên truyền để người lao động nâng cao năng suất, kỷ luật lao động, ý thức chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đây là khía cạnh mấu chốt trong việc đảm bảo doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn sẽ tích cực tham gia vào việc xây dựng các chính sách pháp luật, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy mạnh khởi nghiệp, giám sát môi trường làm việc của người lao động để họ có môi trường làm việc an toàn. Cùng với đó, Công đoàn các cấp sẽ phát động phong trào thi đua để thúc đẩy người lao động cố gắng vươn lên như lời hiệu triệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại Đại hội.
Về vấn đề xây dựng chính sách pháp luật công đoàn thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của tổ chức công đoàn là cách bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh là một tổ chức chính trị - xã hội, có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách pháp luật, đồng thời chú trọng đến ý kiến, kiến nghị trực tiếp của người lao động. “Quá trình xây dựng pháp luật chính là tương tác giữa tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước trong việc đề xuất chính sách. Điều này cũng giúp tương tác trong nội bộ tổ chức Công đoàn, là cách Công đoàn đến với công nhân lao động để lắng nghe ý kiến của họ. Người công nhân có thể không nói được quy định này nên viết thế nào nhưng họ sẽ nói cần điều gì. Cán bộ Công đoàn các cấp phải có năng lực khái quát, biểu đạt thành những quy phạm để đóng góp vào quá trình xây dựng pháp luật”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Ngoài ra, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn tổ chức một hệ thống luật sư, luật gia công đoàn được đào tạo chuyên nghiệp để thực hiện các chức năng: Tham gia bảo vệ người lao động thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng chính sách pháp luật của công đoàn.
Chăm lo thiết thực cho đoàn viên Công đoàn
Trả lời báo giới về vấn đề đại diện của tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, để có thể chăm lo tốt cho đoàn viên công đoàn, trong báo cáo đã xác định nhiệm vụ 5 năm tới là đổi mới toàn diện hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với mong muốn trong sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể hơn nữa cho đoàn viên và cho người lao động. Bên cạnh các hoạt động đã được định hình, thiết chế Công đoàn đã được Chính phủ phê chuẩn thành chương trình tập trung. Nếu hoàn thiện giai đoạn 1 thiết chế Công đoàn, sẽ đạt được mục tiêu 50.000 chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp với khả năng phục vụ cho 200.000 người lao động, chưa kể đến các cơ sở về văn hóa, thể thao, các dịch vụ tiện ích phục vụ người lao động tốt hơn. Bên cạnh đó, chương trình phúc lợi công đoàn được triển khai từ năm 2017 đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần đáp ứng tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Cụ thể hóa nhiệm vụ đại diện của tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ cùng Công đoàn cơ sở nâng cao năng lực thương lượng thỏa ước tập thể để có được những bản thỏa ước lao động tập thể đáp ứng hai nhiệm vụ: Một là, từ năm 2021, Công đoàn cơ sở sẽ thương lượng với người sử dụng lao động về vấn đề tiền lương. Hai là, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải thương lượng với người sử dụng lao động về các phúc lợi bổ sung thêm, thể hiện sự chăm lo cho người lao động trong đơn vị mình sao cho tốt.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, việc thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ cho người lao động còn những vướng mắc, khó khăn như: vấn đề công đoàn khởi kiện, nợ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc làm đời sống của một bộ phận công nhân lao động còn khó khăn. Nguồn lực của Công đoàn hiện còn phân tán, chưa thực sự hiệu quả. Tới đây, tổ chức Công đoàn phải phát huy tốt các cơ sở vật chất hiện có, đẩy mạnh quản lý, cơ cấu lại nguồn lực… để có nhiều hơn nữa các chương trình thực sự có ý nghĩa như xây dựng đề án thiết chế Công đoàn để phục vụ công nhân lao động là đoàn viên ở các khu công nghiệp, khu chế xuất - đối tượng đang có nhiều khó khăn, vừa góp phần vào giải quyết bức xúc của địa phương, vừa là cơ sở để tổ chức công đoàn tập hợp, thu hút người lao động đến với mình, vừa là những hoạt động chăm lo thiết thực để giúp người lao động thấy tổ chức Công đoàn thực sự là tổ chức của mình, do mình và vì mình. Nguồn lực sẽ được tính toán trong đề án sau này.
Nhiệm kỳ tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tập trung tham mưu sửa đổi các luật để đảm bảo chức năng đại diện thực hiện được việc khởi kiện, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ này tốt hơn; có những chương trình cụ thể bảo vệ cho đoàn viên, người lao động trong trường hợp bất khả kháng, chương trình phúc lợi và các hệ thống cơ sở vật chất khác, tạo động lực, sức hút thực sự mà tổ chức Công đoàn mang lại cho đoàn viên, ông Bùi Văn Cường nói.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cũng thừa nhận cán bộ Công đoàn hiện đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, một bộ phận còn hạn chế về năng lực. Trong nhiệm kỳ tới phải có đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn thực sự bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động.
“Đại diện thì phải thực sự xứng tầm, làm tốt được nhiệm vụ đại diện. Vì vậy trong nhiệm kỳ tới, Đại hội xác định một trong 3 khâu đột phá là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, ngang tầm nhiệm vụ và sẽ có hàng loạt giải pháp thực hiện nội dung này”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho hay.