Công đoàn các cấp cùng chính quyền và doanh nghiệp đã hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Điều này khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của công đoàn trong doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân lao động
Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết: Với đặc thù là một tỉnh miền Trung, có số lượng công nhân viên chức lao động toàn tỉnh là 106.212 người, trong đó Trung ương quản lý 22.885 người; địa phương quản lý 83.327 người, các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã bám sát Nghị quyết của công đoàn cấp trên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, sáng tạo đổi mới nhằm nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động đã được Công đoàn các cấp Thừa Thiên Huế thực hiện. Điển hình như: xây dựng trạm sửa chữa xe máy miễn phí cho công nhân, nhà để xe riêng cho công nhân lao động nữ mang thai, bán hàng trả góp cho công nhân lao động, đám cưới tập thể cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Tết sum vầy, Hội thao công nhân lao động; tuyên truyền phổ biến pháp luật, chương trình phúc lợi qua trang Facebook Công đoàn Huế, chương trình Chuyến xe Công đoàn, các hoạt động xã hội…
Thừa Thiên Huế cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 30 doanh nghiệp đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đến đoàn viên và người lao động, cam kết giảm từ 15% đến 30% so với giá niêm yết cho đoàn viên công đoàn khi mua sản phẩm.
Liên đoàn Lao động tỉnh là một trong những đơn vị đầu tiên trên toàn quốc tổ chức hội nghị ký kết với các doanh nghiệp; thường xuyên cử cán bộ theo dõi quá trình thực hiện. Định kỳ, Liên đoàn Lao động tỉnh và các doanh nghiệp họp đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian đến. Đến nay, đã có trên 25.000 lượt đoàn viên công đoàn hưởng lợi với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Cùng với việc các doanh nghiệp từng bước đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; thương lượng đưa vào thỏa ước nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên và người lao động.
Hiện nay, có 118/150 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động (chiếm 78,7%). Giá trị bữa ăn giữa ca được cải thiện đáng kể. Số doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn ca trên 15.000 đồng là 95 doanh nghiệp (chiếm 63,3%).
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ vừa qua, Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo đã giải quyết cho 108 dự án vay với số tiền trên 22,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.455 lao động. Thông qua Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 259 nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân lao động nghèo với số tiền gần 6,2 tỷ đồng.
Bảo vệ quyền lợi của người lao động trong tình hình mới
Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, là tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, Đồng Nai hiện có 32/36 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 2.000 dự án đầu tư của trên 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến 31/12/2017, toàn tỉnh có trên 29.100 doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế với 6.442 đoàn viên đang sinh hoạt tại 2.882 công đoàn cơ sở.
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh không ngừng đổi mới về tổ chức, triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động; đồng thời góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.
Trong công tác chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành của tỉnh, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động nắm tình hình, tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, góp phần duy trì và tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Do đó, mặc dù là địa phương có số vụ ngừng việc tập thể ở mức cao so với cả nước nhưng phần lớn các vụ việc đều được giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng bộ quy chế mẫu hướng dẫn đến công đoàn cơ sở các doanh nghiệp; tổ chức tập huấn kỹ năng đối thoại, công tác tổ chức hội nghị người lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở, góp phần tăng cường thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia ý kiến, quyền được biết và tham gia giám sát. Sau 5 năm triển khai, đến nay, tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có kết quả tích cực, tỷ lệ các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở có tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước
Xác định hoạt động thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn của công đoàn cấp trên đối với cơ sở, hàng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở, đảm bảo nội dung thương lượng và chất lượng các bản thỏa ước không ngừng được nâng lên với tiêu chí các bản thỏa ước được ký kết phải ngắn gọn, chỉ ghi nhận các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Đến nay, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã ký 1.062 bản thỏa ước lao động tập thể (đạt tỷ lệ 73,01% và vượt 4,61% so với kế hoạch).
Hoạt động tư vấn pháp luật lao động, công đoàn, hỗ trợ pháp lý tại công đoàn các cấp của Đồng Nai tiếp tục được đa dạng hóa. Trong nhiệm kỳ qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn và các đơn vị trực thuộc công đoàn cấp trên cơ sở đã thực hiện tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho người lao động; tham gia hòa giải và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại Tòa án; đào tạo lực lượng công nhân nòng cốt về kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng sống, bình đẳng giới.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
Với đặc điểm là tỉnh phát triển công nghiệp cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị, nền hành chính công thể hiện rõ tính phục vụ, Bình Dương tiếp tục là địa phương có số lượng doanh nghiệp liên tục tăng nhanh và dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là thông tin được bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương khẳng định trong tham luận tại Đại hội Công đoàn khóa XII.
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, toàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút trên 32.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và 3.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với trên 1,2 triệu lao động (chiếm hơn 50% dân số của tỉnh), chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp, lao động nữ chiếm khoảng 56%, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 80%.
Toàn tỉnh có 3.362 công đoàn cơ sở, với 713.000 đoàn viên, đứng thứ hai cả nước về số lượng đoàn viên. Trong đó, có 2.586 công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm 77% tổng số công đoàn cơ sở, với 671.731 đoàn viên công đoàn/736.970 công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Tỷ lệ đoàn viên trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở chiếm 91%.
Với số lượng công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp chiếm gần 80% tổng số công đoàn cơ sở trong toàn tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương luôn xác định xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của công đoàn trong doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Với nhận thức đó, Công đoàn tỉnh Bình Dương xác định: Muốn xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ thì việc xây dựng và nâng cao năng lực cho các chủ thể của mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã tập trung nhiều giải pháp xây dựng và nâng cao năng lực cho người lao động và công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trọng tâm là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên. Kết quả, trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã kết nạp gần 200.000 đoàn viên, vượt 69,2% chỉ tiêu đề ra, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên đạt 95%.
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, người lao động đã trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình, nhiều vấn đề bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời, những khó khăn của doanh nghiệp được người lao động chia sẻ...
Nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, bữa ăn ca... Các nội dung này đã góp phần quan trọng giúp quan hệ lao động diễn ra bình thường. Mọi vấn đề nếu có phát sinh đều được hai bên thảo luận, cùng hợp tác cùng giải quyết, hạn chế các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích dẫn đến tranh chấp lao động.
Các chính sách của doanh nghiệp minh bạch, các cam kết của hai bền đều được thực hiện nghiêm túc, điều kiện lao động an toàn, chuẩn mực, môi trường làm việc thoải mái, thân thiện, chuyên nghiệp, ứng xử có văn hoá, góp phần tăng năng suất lao động, vai trò của công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động được khẳng định, tình hình quan hệ lao động tại nhiều doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt.