Theo đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ diễn ra ngày 5/12/2019 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chủ đề: "Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đại hội diễn ra ngay sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong tình hình mới”.
Ông Bạch Ngọc Chiến cho biết, đối ngoại nhân dân đang ngày càng có vị thế quan trọng. Với tư cách là cơ quan chuyên trách, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhận thức được nhiều cơ hội và thách thức đối với tình hình mới hiện nay, trong đó cơ hội là nhiều hơn. Nhiệm kỳ tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ có phương thức hoạt động, cách tiếp cận nhiệm vụ mới phù hợp với phương châm "Chủ động - Linh hoạt - Sáng tạo -Hiệu quả". Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ, điều chỉnh cơ cấu tổ chức trong điều kiện mới.
Đối với lĩnh vực vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi Nghị định số 12/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam nhằm tìm ra giải pháp tăng nguồn viện trợ phi chính phủ cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bạch Ngọc Chiến khẳng định, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vẫn còn dư địa nếu biết cách vận động. Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước mong muốn tìm cơ hội hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bạch Ngọc Chiến cho rằng, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam với nhiệm vụ ưu tiên là bảo vệ hòa bình, một thời gian dài sau này là giao lưu hữu nghị với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn hướng tới sự phát triển vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó hoạt động xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài là một phần quan trọng.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bạch Ngọc Chiến nêu một số công tác nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội V của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (2013-2018) như: Tổ chức chương trình “Theo dấu chân Bác” tại Lào và Thái Lan để kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ (năm 2015); tổ chức Cuộc nói chuyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama với giới trí thức, doanh nhân và thanh niên, sinh viên Việt Nam (năm 2016); khánh thành Cung Hữu nghị Việt - Trung và các hoạt động bên lề đoàn Tổng Bí Thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam (năm 2017); Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt – Lào lần thứ IV tại Lào nhân năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017 và Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia lần thứ IV tại Việt Nam nhân Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2017; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019); tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng các chương trình “Ươm mầm Hữu nghị” “Hướng tới tương lai” tại nhiều địa phương nhằm hỗ trợ các sinh viên Lào và Campuchia đang theo học tại Việt Nam...
Cũng theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014- tháng 6/2019, giá trị viện trợ giải ngân của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đạt 1,597 tỷ USD. Liên hiệp cũng thành lập 6 hội hữu nghị song phương và 8 liên hiệp cấp tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương, nâng tổng số thành viên của Liên hiệp Hữu nghị từ 102 tổ chức lên 116 tổ chức (64 tổ chức ở Trung ương và 52 tổ chức ở địa phương). Liên hiệp đón 4.650 đoàn đến từ các nước trên thế giới và tổ chức khoảng 3.000 hoạt động đối ngoại tại chỗ.