Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2021 - 2025. Tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; qua đó tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Đại hội diễn ra trong 2 ngày. Trong đó, ngày thứ nhất, ngoài phiên trù bị và tổng duyệt chương trình, các đại biểu sẽ chia thành 5 đoàn để gặp gỡ, giao lưu tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thành phố Hà Nội.
Ngày thứ hai sẽ diễn ra phiên chính thức với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại hội sẽ nghe báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm (2016 - 2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo tham luận của đại diện tập thể, cá nhân tiêu biểu; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Trong phiên làm việc này, Đại hội tôn vinh, tuyên dương “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và điển hình tiêu biểu về dự Đại hội; Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X dự kiến khoảng 2.300 đại biểu tham dự, trong đó có 2.020 đại biểu chính thức. Ban Tổ chức Đại hội cho biết, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải bảo đảm về số lượng, cơ cấu hợp lý giữa các vùng, miền, ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi; có tỷ lệ hợp lý đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, tôn giáo, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác (công nhân, nông dân, ngư dân, chiến sỹ...), đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có công với Việt Nam...
Theo đó, đại biểu lĩnh vực kinh tế chiếm từ 30% trở lên; đại biểu lĩnh vực an ninh, quốc phòng khoảng 20%; lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế khoảng 30% và các lĩnh vực khác là 20%. Đại biểu cá nhân khoảng 70%, đại biểu đại diện các tập thể khoảng 30%. Đại biểu nữ, đại biểu trẻ từ 30% trở lên; đại biểu nhân sỹ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có công với Việt Nam khoảng 20%.
Kế hoạch tổng thể phân bổ đại biểu dự Đại hội vừa được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại hội ký ban hành cho thấy, trong tổng số 2.020 đại biểu chính thức dự Đại hội, là những cá nhân, đại diện tập thể điển hình tiên tiến do các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn, bảo đảm cơ cấu hợp lý...
Trong số đại biểu theo cơ cấu, ngoài đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới (được phong tặng từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay), Chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020, có 40 đại biểu đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, 73 cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cá nhân tiêu biểu đại diện của 53 dân tộc. Đặc biệt, có 20 điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là những người trực tiếp tại tuyến đầu phòng, chống dịch; 30 tài năng trẻ tiêu biểu, thiếu niên, nhi đồng xuất sắc; 15 nhà báo tiêu biểu...