Đây là khẳng định của Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ngài Jaya Ratnam, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973 - 1/8/2023) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (9/2013 - 9/2023).
Năm 2023, Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Theo ngài, đâu là những điểm nhấn trong quan hệ hai bên và tiềm năng phát triển trong những năm tới?
Năm 2023 đánh dấu một số cột mốc quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Singapore. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao tròn 50 năm và trở thành Đối tác Chiến lược của nhau tròn 10 năm. Quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm qua. Tôi muốn nhấn mạnh tới ba lĩnh vực mà hai nước chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc.
Thứ nhất, lãnh đạo hai nước luôn tin tưởng lẫn nhau, tiếp nối mối quan hệ gắn bó của các bậc lãnh đạo tiền bối.
Thứ hai, hai nước đều ưu tiên phát triển kinh tế. Một trong những dự án hợp tác quan trọng nhất là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Năm 1994, Thủ tướng Goh Chok Tong (Gô Chốc Tông) đã đề xuất ý tưởng thành lập khu công nghiệp VSIP với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Có thể thấy Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới năm 1986 và Khu Công nghiệp Việt Nam- Singapore đã tận dụng được thế mạnh của cả hai nước trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, hai nước chúng ta đồng lòng xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng trong khuôn khổ ASEAN. ASEAN đón nhận Việt Nam trở thành thành viên vào năm 1995 và từ đó đến nay Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào đảm bảo hòa bình,ổn định trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore có chung quan điểm về nhiều vấn đề, cùng công nhận tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế. Chúng ta cùng cam kết giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và đoàn kết giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Quan hệ hai nước ngày càng lớn mạnh và phát triển rất nhanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức tới Singapore vào tháng Hai năm nay và sắp tới, Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) sẽ thăm Việt Nam. Trong năm 2022, hai nước đều có các chuyến thăm lẫn nhau cấp Nhà nước và Tổng thống Halimah Yacob (Ha-li-ma Gia-cốp) của chúng tôi đã gặp Chủ tịch Võ Văn Thưởng của Việt Nam tại London mới đây.
Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Singapore được phát triển dựa trên nhiều khuôn khổ hợp tác. Cụ thể, Hiệp định khung về kết nối Singapore - Việt Nam (CFA) được đưa ra vào năm 2006 được coi là nền tảng cho các cơ quan của hai nước phối hợp với nhau, đưa ra đường hướng và giám sát quy trình nhằm tăng cường hợp tác ngày càng sâu rộng. Để đáp ứng hơn nữa chương trình hợp tác song phương ngày càng phát triển, Hiệp định khung về kết nối Singapore - Việt Nam giờ đây bao gồm cả các cuộc thảo luận, trao đổi trong các lĩnh vực như đổi mới, năng lượng và số hóa.
Hợp tác qua kênh Đảng, Nhà nước không ngừng phát triển với việc tăng cường trao đổi các đoàn ở các cấp nhằm học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và xác định các lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Ngài có đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam?
Hợp tác kinh tế là nền tảng trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Singapore. Các doanh nghiệp Singapore đều tin tưởng vào triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam, một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á từ nhiều năm nay.
Tính đến tháng 12/2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế 70,8 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư hàng đầu của Singapore tại Việt Nam là vận tải - kho bãi, sản xuất, bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính - bảo hiểm và thương mại bán buôn - bán lẻ.
Thương mại song phương năm 2022 tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 31,3 tỷ SGD (hơn 23,5 tỷ USD).
Tôi tin tưởng rằng hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là khi hai nước xác định các ưu tiên mới trong tăng trưởng theo khuôn khổ Đối tác Kinh tế số và Kinh tế xanh (GDEP).
Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác nhằm đưa quan hệ thương mại của hai nước lên tầm cao mới?
Hai quốc gia có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín dụng carbon, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.
Chính vì vậy, trong chuyến thăm tới Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 2/2023, hai bên đã đồng ý thiết lập quan hệ Đối tác Kinh tế số và Kinh tế xanh. Theo khuôn khổ này, hai bên sẽ nâng cấp mối quan hệ song phương trong hợp tác các lĩnh vực như năng lượng, bền vững, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số và đổi mới, cũng như khả năng kết nối.
Có ba lĩnh vực Singapore và Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong thập kỷ tới.
Đầu tiên là đổi mới. Singapore và Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Với mục tiêu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới, Singapore và Việt Nam có cơ hội cùng khai thác các hệ sinh thái đổi mới của nhau.
Thứ hai là kết nối năng lượng. Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Việc mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện khu vực sẽ không chỉ hỗ trợ nỗ lực khử cacbon của riêng mỗi quốc gia, mà còn tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy các mục tiêu năng lượng bền vững của khu vực.
Thứ ba là tính bền vững. Hai bên cần khẩn trương đẩy nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để đáp ứng các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Thị trường carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình khử cacbon của các quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực khó giảm bớt phát thải.
Vào tháng 10/2022, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về tín chỉ carbon, phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Việc này giúp cho Việt Nam và Singapore ở vị thế thuận lợi có thể nắm bắt cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon. Hai bên sẽ thúc đẩy triển khai các dự án trong lĩnh vực này thời gian tới, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon trong khu vực.
Trong khi hợp tác kinh tế là một trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Singapore, hợp tác về văn hóa chưa được khai thác tối đa. Theo Đại sứ, hai bên cần làm gì để thúc đẩy trao đổi văn hóa?
Quan hệ đối tác Việt Nam - Singapore không chỉ dừng lại ở quan hệ đầu tư - thương mại mà trụ cột quan trọng nhất chính là giao lưu nhân dân.
Sau thời kỳ COVID, hai bên đã nối lại hoạt động du lịch, giáo dục và giao lưu văn hóa. Việt Nam đã và đang tiếp tục là điểm đến ưa thích của sinh viên Singapore khi tham gia các chương trình trao đổi và tham quan học tập. Tương tự, Singapore luôn chào đón sinh viên Việt Nam, nhiều em đã đóng góp không nhỏ cho đất nước chúng tôi bằng cả tài năng và nhiệt huyết.
Việt Nam cũng là đối tác hàng đầu của chúng tôi trong Chương trình hợp tác Singapore (SCP). Hơn 21.000 cán bộ Việt Nam đã tham gia các khóa học của SCP. Singapore sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển.
Một lĩnh vực nữa mà hai bên đang thúc đẩy là tạo thêm cơ hội cho giới trẻ hai nước gắn kết với nhau. Sáng kiến mới nhất là Chương trình Trao đổi Thủ lĩnh Thanh niên Singapore-Việt Nam (SVYLEP) 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 8/2023.
Tương lai quan hệ Singapore - Việt Nam rất tươi sáng và đầy hứa hẹn. Vì lẽ đó mà chúng tôi đã chọn sự kiện Spotlight Singapore tại Việt Nam (SSV) để khép lại lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore. Theo đó, hơn 200 thanh niên, nghệ sĩ, doanh nhân trẻ từ Singapore sẽ đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và kinh doanh từ ngày 19-25/10 sắp tới.