Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết trong năm 2022 cũng như các năm trước đây, ASEAN rất coi trọng các cơ chế đối tác, đối thoại và chính các cơ chế này đã phát huy rất tốt hiệu quả trong ứng xử nội khối và giữa ASEAN với các đối tác trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế trong thời gian qua. Trong năm 2022, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế này để thống nhất đồng thuận ASEAN trong ứng xử với các vấn đề khu vực như Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Biển Đông...
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đánh giá đối thoại là chìa khóa để giải quyết hòa bình các vấn đề và tranh chấp quốc tế, do đó, các cơ chế đối tác, đối thoại của ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới.
Về vấn đề Myanmar, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng với tư cách là một thành viên ASEAN, việc Myanmar thực hiện đầy đủ đồng thuận 5 điểm với sự hỗ trợ của ASEAN là cách thức khả thi nhất tiến tới một giải pháp thỏa đáng, lâu dài cho quốc gia này. ASEAN cần tiếp tục phát huy các cơ chế đối thoại, duy trì các nguyên tắc của mình, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; là đầu mối tập hợp và điều tiết các nỗ lực quốc tế hỗ trợ Myanmar.
Về tiến trình đàm phán dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho rằng đối thoại là giải pháp tốt nhất. Từ ngày 1-3/10 vừa qua, tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tại cuộc họp, ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện DOC và xây dựng COC, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh việc tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn sớm đạt được COC.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ các hội nghị của ASEAN trong năm 2022, cũng như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực phức tạp khó lường, đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm và chủ động, Việt Nam mong muốn góp phần tăng cường hợp tác nội khối và với các nước đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi lao động; ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối kinh tế, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, bền vững và đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Trên bình diện an ninh, Việt Nam mong muốn thúc đẩy đối thoại và hợp tác để thu hẹp khác biệt, gia tăng điểm tương đồng giữa các nước ASEAN, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam cùng ASEAN và các nước đối tác sẽ trao đổi thực chất, đối thoại thẳng thắn để nâng cấp và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tìm giải pháp hòa bình thỏa đáng cho các vấn đề quốc tế, khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế; tham gia tích cực, thiện chí, phát huy giá trị đối thoại và hợp tác của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp có trách nhiệm cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Về vai trò điều hành của Campuchia trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết từ đầu năm đến nay, Campuchia đã tổ chức rất nhiều hội nghị về các lĩnh vực chuyên ngành để tạo sự đồng thuận của các nước ASEAN. Campuchia đã chủ động và tích cực vận động các nước ASEAN tham gia đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho vấn đề Myanmar và đẩy mạnh thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar. Các nước thành viên ASEAN đều thể hiện rõ lập trường và thái độ của mình trong vấn đề Myanmar, qua đó tạo được sự đồng thuận cao về việc tiếp tục duy trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực cũng như đối với các vấn đề toàn cầu.
Trong vai trò nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, Campuchia đã hết sức nỗ lực nhằm bảo đảm cho thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan. Về công tác lễ tân, hậu cần, nước chủ nhà sử dụng tối đa các khách sạn ở Phnom Penh, đội hình xe ô tô dịch vụ để phục vụ chu đáo cho các đoàn.
Công tác an ninh cũng được đặc biệt quan tâm. Từ nhiều tháng nay, lực lượng cảnh sát và các lực lượng đặc nhiệm khác đã được tập huấn về các giải pháp, biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hội nghị. Trung tâm báo chí và hoạt động cung cấp thông tin cho giới báo chí trong nước và quốc tế đến tác nghiệp, đưa tin về hội nghị cũng được phía chủ nhà Campuchia chuẩn bị khá chu đáo. Với sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN cũng như các nước bạn bè trên thế giới, chắc chắn các hội nghị sẽ được tổ chức thành công, đáp ứng được kỳ vọng và mong đợi của các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.