Việt Nam và Australia đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023. Quan hệ hợp tác nghị viện có vai trò quan trọng trong mối quan hệ song phương. Xin Đại sứ cho biết những đánh giá về sự hợp tác nghị viện Việt Nam và Australia trong thời gian qua ?
Nhìn lại quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia 50 năm qua, có thể thấy đây là kênh có ý nghĩa nền tảng cho quan hệ toàn diện, ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Ngay sau khi Hiệp định kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 26/2/1973, Australia đã lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngay sau đó, 39 nghị sỹ đã lập Ủy ban Nghị viện thúc đẩy Australia công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Tới tháng 5/1975, Ủy ban này đã thành công trong việc thúc đẩy mục tiêu này.
Australia là nước phương Tây đầu tiên đón một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức, đó là Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (tháng 5/1990). Chuyến thăm lịch sử này mở ra các chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5/1993) và đặc biệt là của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 7/1995)...
Trong hơn 30 năm qua, nhiều Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cũng như không ít Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Australia thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, mở ra những khuôn khổ mới cho hợp tác hai nước. Trong thời gian đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith (tháng 6/2021), thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thiết thực giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế và hỗ trợ vaccine. Hai Quốc hội cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ thực hiện các văn kiện, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Ngay từ những ngày đầu, nhóm nghị sỹ hữu nghị luôn đóng vai trò then chốt, mở đường cho quan hệ hai nước. Vì vậy, ngay tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Việt Nam đã lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Australia do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, làm Chủ tịch. Điều trùng hợp thú vị là cũng tại kỳ họp thứ hai của Nghị viện khóa mới, Australia lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam do bà Sharon Claydon, Phó Chủ tịch Hạ viện, làm Chủ tịch. Nhóm này hiện gồm 57 thành viên, đại diện cho tất cả các chính đảng, tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Australia là thành viên. Điều này chứng tỏ Quốc hội hai nước luôn quan tâm gìn giữ, phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai bên.
Trên cơ sở đó, chúng ta tin tưởng quan hệ nghị viện giữa hai nước sẽ có những bước phát triển mới, mở ra triển vọng và tạo xung lực mới cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả giữa hai nước trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương và triển vọng quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước ?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Australia trong 5 năm qua, cũng là chuyến thăm thứ năm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Australia kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao. Tôi tin rằng chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Thứ nhất, được sự quan tâm của Lãnh đạo hai nước, quan hệ giữa hai Quốc hội sẽ đơm hoa kết trái với những nội dung hợp tác ngày càng thực chất về những lĩnh vực mà hai nước đều ưu tiên, nhất là giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin rằng Nghị viện các bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng sẽ quan tâm xây dựng, mở rộng quan hệ với các Đoàn đại biểu quốc hội địa phương của Việt Nam. Nhân dịp này, các nghị sỹ trong nhóm hữu nghị mới thành lập của hai bên lần đầu tiên có cơ hội gặp gỡ trực tiếp để trao đổi về tương lai hợp tác trong bối cảnh mới.
Thứ hai, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm, gặp gỡ các Lãnh đạo cấp cao của Australia và dự kiến sẽ có một số hoạt động nổi bật, trong đó có bài phát biểu quan trọng về chính sách của Đảng và Nhà nước ta, chủ trì các diễn đàn hợp tác hai nước về giáo dục và kinh tế. Hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, tự cường và kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ sẽ được đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ truyền đạt tới lãnh đạo Nghị viện và người dân Australia. Hợp tác về giáo dục và thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng như giao lưu nhân dân sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Thứ ba, sau gần 5 năm xây dựng và triển khai Đối tác Chiến lược, quan hệ hai nước đã có bước chuyển về chất. Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai bên ngày càng được củng cố trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó ngoại giao nghị viện giữ vai trò nền tảng, then chốt. Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020-2023 (tháng 11/2020) đã và đang được thực hiện sâu rộng trên cả ba trụ cột hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng và đổi mới sáng tạo. Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế (tháng 11/2021) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo điều kiện mở rộng quan hệ sang nhiều lĩnh vực mới như kinh tế số, tài nguyên và năng lượng, giúp nâng cao kim ngạch thương mại hai nước. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Với sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, chúng ta tin tưởng quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia đã phát triển chín muồi để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới tin cậy, hiệu quả hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình,hợp tác tại khu vực và thế giới.
Xin trận trọng cảm ơn Đại sứ!