Theo Đại sứ Phạm Việt Chiến, Việt Nam và Bangladesh đều là những nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng nhanh và đều, dân số đông, thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào mà phần đông là người trẻ với khả năng tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tiềm năng hợp tác còn rất nhiều dư địa. Ông nhấn mạnh hai nước cần triển khai hiệu quả các thỏa thuận song phương, các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế - Văn hóa - Khoa học kỹ thuật, hay Tiểu ban hỗn hợp Thương mại. Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế hợp tác mới phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi nước trong bối cảnh và tình hình mới.
Đại sứ Phạm Việt Chiến cho rằng Việt Nam và Bangladesh chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong đường lối, chính sách đối ngoại về nhiều vấn đề khu vực, toàn cầu. Hai nước đều đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc tạo dựng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới cho hợp tác cùng phát triển. Hai nước đều nằm trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp cận với các vấn đề toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hay an ninh năng lượng. Đây chính là cơ sở để hai nước phối hợp trên trường quốc tế. Thực tế, hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn đa phương và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế.
Đại sứ Phạm Việt Chiến cho biết kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bangladesh sẽ diễn ra trong cả năm 2023 với các hoạt động và nhiều hình thức khác nhau. Một số tổ chức ngành nghề, xã hội Bangladesh hay Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh đã và đang trao đổi với Đại sứ quán để có thể tổ chức các hoạt động ý nghĩa, ví dụ như "Hội hữu nghị Bangladesh - Việt Nam” dự kiến ra mắt trong năm nay. Tuy nhiên, Đại sứ nhấn mạnh thiết thực nhất trong năm kỷ niệm chính là cùng nhau đánh giá những gì đã làm được, những gì còn chưa làm được, những gì đã làm tốt để phát huy và cần làm gì để triển khai các thỏa thuận, các cơ chế hợp tác giữa hai nước thực chất và hiệu quả, để thúc đẩy mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa hai nước lên mức độ cao hơn, sâu sắc hơn, bao trùm và hiệu quả hơn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh luôn đề cao công tác tuyên truyền đối ngoại, vai trò của báo chí, truyền thông để lan tỏa sâu rộng hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia, đến không chỉ người dân Việt Nam mà cả người dân Bangladesh, đặc biệt là giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, thành tựu của Việt Nam đến bạn bè Bangladesh. Đại sứ quán đang phối hợp với giới truyền thông sở tại để triển khai một số hoạt động ở Bangladesh nhằm tuyên truyền cho quan hệ Việt Nam-Bangladesh, nhất là trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao này.
Trong 50 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bangladesh đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhìn lại lịch sử, sự hình thành và phát triển, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bangladesh đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc như Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đánh giá: “Nhân dân Bangladesh và Việt Nam có điểm tương đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Người Cha Dân tộc của Bangladesh là Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã đấu tranh kiên cường và gian lao trong thời gian dài để giải phóng người dân khỏi sự nô dịch. Hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng trong truyền thống xã hội và văn hóa. Cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập vào năm 1971”. Đánh giá này được Thủ tướng Sheikh Hasina đưa ra khi trả lời phỏng vấn nhân chuyến thăm Bangladesh của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang năm 2018.
Ngay sau khi Bangladesh tuyên bố độc lập vào tháng 3/1971, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và chính thức thiết lập quan hệ ở cấp cao nhất – cấp đại sứ. Tương tự, Bangladesh là quốc gia đầu tiên tại Nam Á công nhận (26/7/1973) và thiết lập quan hệ ngoại giao cũng ở cấp cao nhất với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 10/1973). Cơ quan đại diện thường trú của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thủ đô Dhaka của Bangladesh được thành lập vào tháng 2/1974 và tới năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, cơ quan đại diện này trở thành Đại sứ quán của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước liên tục được củng cố, phát triển và ngày càng sâu sắc hơn trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, quan hệ Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Trao đổi đoàn các cấp khác nhau diễn ra thường xuyên, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Bangladesh năm 2018 - năm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Bangladesh Md. Abdul Hamid tới Việt Nam năm 2015. Nhiều thỏa thuận song phương đã được ký kết, nhiều cơ chế hợp tác đã được hình thành trong các lĩnh vực khác nhau, như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, nghề cá, chăn nuôi, khoa học công nghệ... Hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn và hiệu quả hơn.
Về kinh tế-thương mại, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Thương mại giữa hai nước tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm từ 2002 (khoảng 350 triệu USD) đến năm 2022 (khoảng 1,47 tỷ USD), đang hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra năm 2018.
Người dân Bangladesh yêu quý Bác Hồ, cảm phục Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây. Ngày nay, giới trẻ Bangladesh háo hức tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, hợp tác và làm ăn với đối tác Việt Nam.