Đây là chuyến công tác thứ 9 thăm ngư dân của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia trong năm 2017 và là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng, đoàn công tác ĐSQ đã đến làm việc tại Natuna, thăm lãnh sự các ngư dân chờ xét xử.
Trong buổi làm việc với Viện Công tố và Tòa án Ranai, Tham tán ĐSQ Việt Nam tại Indonesia Trần Minh Cừ một lần nữa đề nghị các cơ quan này xem xét và đưa ra phán quyết công tâm trên cơ sở các thông tin mà ngư dân và luật sư cung cấp tại Tòa án Ranai. ĐSQ Việt Nam cũng thông báo việc các ngư dân phản đối phán quyết đối với 4 trong 5 thuyền trưởng vừa qua, đồng thời đề nghị Viện Công tố tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe các công dân Việt Nam trong quá trình giam giữ chờ xét xử.
Tại cuộc gặp các ngư dân, đoàn công tác đã giải thích và động viên các ngư dân chấp hành tốt các nội quy của bạn, chú ý giữ gìn sức khỏe. Với 5 thuyền trưởng đang kháng án, Tham tán Trần Minh Cừ khẳng định ĐSQ Việt Nam tại Indonesia sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thuyền trưởng trong suốt tiến trình pháp lý để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam.
Các ngư dân đã cam kết không tuyệt thực. Dự kiến vào trung tuần tháng 1/2018 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử thuyền trưởng còn lại và ĐSQ Việt Nam tại Indonesia sẽ tiếp tục cử cán bộ dự phiên tòa này tại Natuna. Cũng trong chuyến công tác này, đại diện của ĐSQ Việt Nam tại Indonesia đã thăm 1 ngư dân đang điều trị tại bệnh viện do đau bụng cấp tính, đồng thời hối thúc các cơ quan chức năng liên quan của Indonesia sớm hoàn thành các thủ tục để đưa ngư dân này về nước.
Theo ĐSQ Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 110 tàu cá Việt Nam vi phạm đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia và tổng cộng khoảng 1.270 ngư dân đã bị bắt giữ. Đây là con số đáng báo động khi trong 3 năm trở lại đây, số liệu này liên tục tăng mạnh, từ 58 tàu với 644 ngư dân (năm 2015) lên 109 tàu với 1.120 ngư dân (năm 2016) và năm nay cũng chưa có dấu hiệu giảm.
Về phía Indonesia, từ năm 2015, nước này đã áp dụng nhiều biện pháp ngày càng cứng rắn nhằm đối phó với tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia, trong đó có nhiều ngư dân Việt Nam. Năm 2017, Indonesia đã phá hủy 103 tàu cá vi phạm, trong đó có 66 tàu cá của Việt Nam.
Trước tình hình trên, từ đầu năm đến nay, ĐSQ Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp tổ chức 8 đợt đưa ngư dân về nước với tổng số 1.263 người. Đặc biệt, có hai đợt lớn nhất với sự phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đưa tổng số 934 ngư dân về nước qua đường biển. Theo thống kê, hiện nay tại Indonesia vẫn còn khoảng 170 ngư dân bị giam giữ tại các đảo, trong đó có 107 người phải thi hành án tại các trại giam và 63 ngư dân bao gồm thuyền trưởng thuộc diện đang bị xét xử. Ngoài ra, còn có các ngư dân làm chứng cho việc vi phạm của thuyền trưởng trước phiên tòa cũng đang bị giữ tại các trại tạm giam.
Đánh giá về công tác bảo hộ công dân trong năm nay liên quan tới vấn đề ngư dân, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn thừa nhận số lượng ngư dân của Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ tăng mạnh so với các năm trước, trong đó tăng mạnh vào nửa đầu năm, kéo theo nhiều vụ việc phức tạp hơn. Năm qua, ĐSQ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong nước, nhằm giải quyết, thực hiện công tác bảo hộ công dân. Đại sứ bày tỏ hy vọng với sự phối hợp này, công tác bảo hộ công dân trong năm 2018 sẽ có nhiều đà tiến triển thuận lợi.