Theo phóng viên TTXVN tại Nga, trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương khi tới sân bay ở thủ phủ Elista ngày 7/10, Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ: “Tôi được nghe về Kalmykia từ 40 năm trước, qua người bạn học cùng phòng của mình thời sinh viên đại học. Và kể từ đó đã mơ ước được tới Kalmykia”.
Tại cuộc gặp làm việc tối cùng ngày với Tổng thống Cộng hoà Kalmykia Batu Khasikov, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết mục đích đầu tiên của đoàn công tác tại Cộng hòa Kalmykia là mong muốn tìm hiểu tiềm năng và thế mạnh của Kalmykia, những nét tương đồng và bổ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Kalmykia, từ đó có thể thiết lập quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Chúc mừng Tổng thống Khasikov vừa đảm nhận trọng trách đứng đầu nước cộng hòa, Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ niềm vui được đến thăm nước Cộng hòa Kalmykia xinh đẹp, trung tâm văn hóa độc đáo, nằm ở phía Nam LB Nga, khu vực rìa Đông của châu Âu và là lãnh thổ duy nhất ở châu Âu mà Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số và dân số chủ yếu là người gốc châu Á.
Tại buổi làm việc, hai bên đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa các khu vực của Việt Nam và LB Nga, trong đó có Cộng hòa Kalmykia. Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhắc lại lịch sử mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay. Ông nhấn mạnh nhiều cán bộ cao cấp của Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và đây là điểm tựa bền vững mà hai nước cần phát huy. Ông khẳng định trong nhiệm kỳ công tác của mình, bằng mọi nỗ lực, cá nhân ông đang cố gắng sao cho quan hệ giữa các tỉnh của Việt Nam và LB Nga không chỉ thân thiện, mà còn mang lại kết quả thực tế.
Đại sứ thông báo ngắn gọn về tình hình hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, đã phát triển vượt bậc trong vài năm qua, đặc biệt kể từ tháng 10/2016, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC) được ký kết, mà Nga là thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, hai bên cũng ghi nhận thực trạng quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng của mỗi bên. Có rất nhiều hàng hóa là thế mạnh của hai nước vẫn chưa được giới thiệu tới thị trường của nhau.
Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đang nỗ lực hết sức nhằm hỗ trợ các địa phương của hai nước thiết lập quan hệ và phát triển hợp tác trực tiếp. Thời gian qua, nhiều thành phố kết nghĩa giữa hai nước đã được hình thành và khai thác hiệu quả những thế mạnh riêng trong tiến trình hợp tác. Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng đặc biệt lưu ý rằng Việt Nam và LB Nga có tiềm năng hợp tác rất lớn, mà trước hết là các ngành nông nghiệp, lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt quan tâm, với những mặt hàng có thế mạnh như nông sản, hải sản, dệt may, giày dép, sản phẩm và dịch vụ du lịch…
Về phần mình, Tổng thống CH Kalmykia, Khasikov bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, khẳng định Đại sứ Việt Nam là một trong những vị khách quốc tế đầu tiên mà ông được tiếp đón trên cương vị mới. Ông cũng bày tỏ mong muốn hai bên có thể tận dụng lợi thế từ vị trí địa lý của CH Kalmylia trong việc trung chuyển hàng hóa từ châu Âu sang các quốc gia châu Á và ngược lại. Tại buổi làm việc, ông cũng bày tỏ mong muốn được tới thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể, để trực tiếp tìm hiểu tiềm năng và cơ hội phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Trong ngày thứ hai của chuyến công tác, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cùng đoàn công tác đã thăm Bảo tàng Quốc gia Kalmykia, dự lễ khai trương triển lãm Tara Xanh (Lục Độ Phật Mẫu) nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa này; thăm Trường Đại học quốc gia Kalmykia và dự buổi diễn các tiết mục ca múa nhạc dân tộc của người dân Kalmykia hiền hòa mến khách.
Tại trường Đại học Quốc gia Kalmykia, đoàn công tác đã được hiệu trưởng nhà trường giới thiệu cơ sở vật chất: ký túc xá sinh viên, điều kiện ăn ở học tập. Sau đó, Đại sứ đã giao lưu với lãnh đạo, tập thể giáo viên và sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường. Trường ĐH quốc gia Kalmykia thuộc top 30 trường đại học được đầu tư trọng điểm tại LB Nga với hơn 9.000 sinh viên, đến từ 43 quốc gia, trong đó có 2 sinh viên Việt Nam đang theo học ngành Ngôn ngữ tại trường. Đại sứ đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía lãnh đạo của trường, ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo Việt Nam và Kalmykia.