Trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế đều đóng cửa, việc từ nước này di chuyển sang nước khác đều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân di chuyển từ Thụy Sĩ tới sân bay Frankfurt, ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ chuẩn bị cấp cho mỗi công dân Việt Nam đi chuyến bay VN08 một công hàm đi đường để qua biên giới, đồng thời cũng đã gửi công hàm (kèm danh sách công dân đi chuyến bay trên) cho Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Đại sứ quán CHLB Đức tại Thụy Sĩ đề nghị tạo thuận lợi cho công dân qua biên giới. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết sẽ tạo điều kiện để những người có tên trong danh sách xuất cảnh từ Thụy Sĩ đến Đức bằng đường tàu từ Basel qua Frankfurt.
Chia sẻ về tình hình công dân Việt Nam tại Thụy Sĩ và công tác bảo hộ công dân của ĐSQ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết hiện có trên 340 sinh viên đang học ở các trường cao đẳng, đại học tại Thụy Sĩ (chủ yếu học ngành khách sạn du lịch) cùng với khoảng 300 nghiên cứu sinh sang Thụy Sĩ theo các chương trình hợp tác nghiên cứu với các trường đại học lớn trên thế giới và số người Việt làm việc tại các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, công ty Việt Nam ở Thụy Sĩ cùng với gia đình họ. Ngoài ra, cộng đồng người Việt sinh sống làm ăn ở Thụy Sĩ (trong đó nhiều người đã có quốc tịch Thụy Sĩ) cũng vào khoảng 10.000 người.
Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu nói chung và tại Thụy Sĩ nói riêng đã tác động không nhỏ đến học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như kiều bào tại Thụy Sĩ (trường học đóng cửa, chỗ thực tập, làm việc của đa số sinh viên học khách sạn, du lịch cũng bị đóng cửa, sinh viên không có chỗ làm, chỗ ở trong khi chi phí sinh hoạt tại Thụy Sĩ đắt đỏ) làm cho người Việt tại Thụy Sĩ thời gian qua có xu hướng muốn về Việt Nam. Hiện 2/3 số sinh viên Việt Nam tại Thụy Sĩ đã về nước. Tuy nhiên, hiện nay việc trở về Việt Nam của người Việt tại Thụy Sĩ đã trở nên khó khăn do các hãng hàng không hủy chuyến, hoặc không đưa khách về đến Việt Nam mà dừng ở các điểm trung chuyển.
Ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ đã đánh giá được tính chất nghiêm trọng của COVID-19 nên đã chủ động, tập trung cho công tác bảo hộ công dân đối phó với đại dịch này. ĐSQ đã sớm xây dựng kế hoạch ứng phó, đưa ra những biện pháp, chuẩn bị các kịch bản… trong công tác bảo hộ công dân, trong đó đặc biệt tập trung vào một số công tác như: Rà soát, xây dựng số liệu về công dân Việt Nam đang học tập, làm việc tại Thụy Sĩ; Thông qua trang thông tin của ĐSQ, và các trang của các Hội người Việt (Hội người Việt, Hội Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chuyên gia…) cung cấp thông tin thường xuyên về bệnh dịch, các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam cũng như của nước sở tại, những quy định trong phòng chống dịch, cũng như những chủ trương, chính sách có liên quan của Chính phủ Việt Nam, những thông tin hữu ích về việc đi lại, xuất nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh này.
ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ phân công trực lãnh sự, bố trí cán bộ hỗ trợ tối đa cho công dân Việt Nam tại Thụy Sĩ trong việc làm các giấy tờ lãnh sự, hộ tịch; Chủ động cung cấp thông tin và hướng dẫn, cũng như những khuyến cáo cho công dân Việt Nam. ĐSQ chỉ dẫn cụ thể những trường hợp gặp khó khăn (nhất là các bạn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh) trong quá trình về nước do các hãng hàng không bỏ chuyến, hoặc dừng ở các điểm trung chuyển.
Bên cạnh đó, ĐSQ cũng như Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng đã dự phòng các phương án khi rơi vào tình huống xấu như phải sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ (xây dựng dữ liệu, kết nối thông tin, phương án di chuyển, công tác hậu cần hỗ trợ…).
Ở chiều ngược lại, có thể nói cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ dù không phải là một cộng đồng lớn nhưng thời gian qua, họ luôn gắn kết và sẵn sàng chung tay cùng với các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cũng như nhiều hoạt động ủng hộ, hướng về đất nước. Có những Việt kiều đã chủ động cung cấp miễn phí cho ĐSQ, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẩu trang chống dịch, bộ máy rửa tay sát khuẩn… Hội người Việt tại Thụy Sĩ, Hội Trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ, Hội Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam tại Thụy Sĩ đều có sự phối hợp, gắn kết với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thụy Sĩ, trao đổi cung cấp thông tin… giúp cho công tác bảo hộ công dân được thuận lợi và hiệu quả hơn.
ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ thời gian qua đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hỗ trợ bà con và sinh viên người Việt gặp khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 25/2, ĐSQ liên tục ra các thông báo ở các cấp độ khác nhau trên trang web chính thức vietnam-embassy.ch, cung cấp các số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân 0798897118 hoặc 03187875. Tất cả những đề nghị của cộng đồng đều được các cán bộ ngoại giao tận tình hướng dẫn và cùng tìm giải pháp hỗ trợ cho bà con cộng đồng, nhất là các bạn học sinh, sinh viên.
Về cảm nhận những gì mà chính quyền Thụy Sĩ đã và đang thực hiện trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát tốt của chính quyền Thụy Sĩ. Do vậy, công dân Việt Nam (nhất là các bạn học sinh, sinh viên) còn đang ở lại Thụy Sĩ không nên quá lo lắng về khả năng “mất kiểm soát” hay “thảm họa” do bệnh dịch gây ra; không nên bằng mọi giá phải về Việt Nam. Mọi người hãy yên tâm ở lại Thụy Sĩ và nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền sở tại trong phòng chống dịch. Chính phủ cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn sát cánh cùng công dân của mình và sẵn sàng hành động khi cần thiết.