Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta như một trong những trang vẻ vang nhất. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 là thắng lợi to lớn, nhanh chóng và toàn diện nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện một cách rõ ràng nhất bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.


Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, Nxb Giáo dục, H, 1994, tr.28 định nghĩa: Bản lĩnh: “Là đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ và hành động của mình, không bị áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm”.

Đánh chiếm Dinh Độc Lập. Ảnh: Mai Hưởng - TTXVN


Đó là khái niệm chung, còn đề cập đến bản lĩnh trong trường hợp cụ thể là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có lẽ và cần hiểu đó là bản lĩnh của dân tộc ta, nhân dân ta, của Đảng ta, của các lực lượng vũ trang đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang đó. Theo suy nghĩ của chúng tôi, bản lĩnh Việt Nam đó thể hiện trên mấy điểm cơ bản sau:


Bản lĩnh trước kẻ thù


Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, phải đương đầu và đánh thắng từng bước hơn 1 triệu quân Mỹ, quân đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn, quân và dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, đã rèn đúc được bản lĩnh kiên định, vững vàng, một quyết tâm không lay chuyển, sẵn sàng vượt mọi hiểm nguy, khắc phục gian khó, không chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của kẻ thù.


Tuy đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, trong khi lực lượng của ta ở miền Nam vẫn ở lại, nhưng so sánh lực lượng về quân số, vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh của quân đội Sài Gòn vẫn lớn hơn khá nhiều. Mặc dầu vậy, Đảng ta vẫn hạ quyết tâm “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Quyết tâm này được xác định thể hiện bản lĩnh của Đảng ta, dựa trên cơ sở phân tích đánh giá sức mạnh khả năng đối phó của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn. Một là, Đảng ta nhận định khả năng Mỹ đưa quân trở lại miền Nam rất khó xảy ra khi Quân giải phóng miền Nam đánh lớn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan; Hai là, tuy quân đội Sài Gòn còn có số lượng đông, vũ khí trang bị dồi dào nhưng không mạnh bởi đã mất chỗ dựa chủ yếu là hơn nửa triệu quân chiến đấu Mỹ; bên cạnh đó, viện trợ quân sự của Mỹ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn đã và sẽ bị quốc hội Mỹ hạn chế nhiều, nên vũ khí, đạn dược, trang bị sẽ sụt giảm mạnh so với trước; tinh thần chiến đấu của đội quân này ngày càng đi xuống bởi họ nhận thức khá rõ chiều hướng và kết cục của cuộc chiến tranh sau khi quân Mỹ rút. Ba là, thế và lực của cách mạng miền Nam ngày càng phát triển lớn mạnh cả về vật chất và tinh thần. Quân và dân miền Nam, có hậu phương lớn miền Bắc là chỗ dựa vững chắc, giờ đây chỉ phải đối phó với chính quyền và quân đội Sài Gòn, đã hiểu rõ đối tượng tác chiến này và khẳng định có thể đánh thắng chúng trong thời gian trước mắt.


Bản lĩnh trước tình hình quốc tế


Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn gay go, ác liệt, cách mạng miền Nam vừa ra khỏi thời kỳ khó khăn kéo dài từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 19, bước vào thời kỳ hồi phục, thì lại gặp phải một tình thế bất lợi từ bên ngoài. Đó là việc Tổng thống Mỹ Ních Xơn triển khai cái gọi là Học thuyết Ních Xơn về châu Á, mà trọng tâm là chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ních Xơn đã thực hiện có kết quả việc chia rẽ mối quan hệ và hạn chế sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, đổi lại, Mỹ đã thỏa thuận dành một số lợi ích và mối quan tâm của Trung Quốc, Liên Xô trên cơ sở lợi ích của hai nước này cũng như trên bình diện khu vực và thế giới.


Sau chuyến đi của Ních Xơn đến Bắc Kinh (2/1972) và Mátxcơva (5/1972), sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam giảm sút nhiều. Tuy nhiên, đứng trước tình hình bất lợi đó, Đảng ta và quân dân cả nước đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của mình, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, hạn chế đến mức thấp nhất có thể được sự bất lợi do thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc - Liên Xô tác động, quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.


Mặc dù có những tác động, lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết định có những nhân nhượng cần thiết với Mỹ trong đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973) để mở ra khả năng giành thắng lợi hoàn toàn.


Mặc dù viện trợ vật chất sụt giảm mạnh, khó khăn về vũ khí, đạn dược trang bị, lương thực, thuốc men… nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết định xây dựng sớm kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, tập trung toàn bộ sức người, sức của của cả nước, trong đó có phần rất quan trọng từ miền Bắc, cho trận đánh quyết định cuối cùng.


Sau gần hai năm chuẩn bị mọi mặt, trên cơ sở đánh giá, phân tích, nhận định tình hình, thế và lực của hai bên, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu là đòn đánh điểm huyệt vào thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975, giành thắng lợi.


Bản lĩnh trong quá trình chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy


Buôn Ma Thuột thất thủ, Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã phạm một sai lầm chiến lược là vội vã rút bỏ địa bàn trọng yếu Tây Nguyên. Điều đó ngay lập tức gây nên cơn hoảng loạn không gì ngăn chặn nổi trong hàng ngũ viên chức chính quyền và quân đội Sài Gòn cùng một bộ phận lớn người dân sống trong vùng họ đang kiểm soát. Một cuộc rút chạy quy mô chưa từng có, không được trù tính trước, đã báo hiệu sự sụp đổ nhanh chóng và không tránh khỏi của chế độ Việt Nam cộng hòa. Sớm nhận thấy thời cơ chiến lược xuất hiện, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã họp (ngày 18/3/1975), quyết định chuyển từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm sang kế hoạch thời cơ (kế hoạch này cũng đã được dự liệu từ đầu năm 1975), quyết tâm dồn sức hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến và không kịp trở tay. Bộ Chính trị quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5/1975).


Sau khi quân và dân ta mở hai chiến dịch tiến công liên tiếp giải phóng thành phố Huế (25/3), thành phố Đà Nẵng (29/3), về cơ bản, toàn bộ Quân khu II và Quân khu I của chính quyền, quân đội Sài Gòn đã bị xóa sổ. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình, nhận định: Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đã bắt đầu. Bộ Chính trị quyết định: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian sớm nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm.


Tiếp ngay sau đó là quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn, chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn, triệt để trong 4 ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975.


Sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trong không khí ra trận chiến đấu và chiến thắng thần tốc “một ngày bằng hai mươi năm”, với những nhận định, phân tích, quyết định nhanh chóng, táo bạo, đúng đắn, kịp thời, đưa đến thắng lợi to lớn, là sự thể hiện, sự minh chứng rõ ràng nhất về bản lĩnh đồng thời cũng là trí tuệ của tập thể lãnh đạo xuất sắc, đại diện cho ý chí, tinh thần, nguyện vọng và quyết tâm chiến đấu, hy sinh của các tầng lớp nhân dân, của dân tộc Việt Nam.


Bản lĩnh của những người làm nên chiến thắng còn thể hiện trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Gác sang một bên những hoạt động trung gian hối hả của các phe nhóm, lực lượng, kể cả của nước ngoài hòng xoay chuyển kết cục theo ý của họ; gác sang một bên những câu nói bóng gió mang hàm ý ngăn đe, tập thể lãnh đạo Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành chính quyền về tay nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước.


Trí tuệ Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thể hiện trên nhiều mặt, có thể nêu lên mấy điểm sau:


Trí tuệ trong nhận định và kế hoạch


Một là trí tuệ trong nắm địch, hiểu rõ tình hình, trong vạch kế hoạch tác chiến tổng thể và kế hoạch thời cơ


Như trên đã trình bày, mặc dù Mỹ phải rút hết quân sau Hiệp định Pari, nhưng Đảng ta không loại bỏ hoàn toàn khả năng Mỹ đưa quân trở lại miền Nam khi có tình hình bất lợi đối với chế độ Sài Gòn. Bên cạnh tin tức của tình báo chiến lược, Đảng ta quyết định “nắn gân Mỹ” bằng việc mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào cuối tháng 12/1974 đầu tháng 1/1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với hơn 50 vạn dân. Tuy bị mất Phước Long, nhưng Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chỉ phản ứng hạn chế. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ma-tin thông báo cho Tổng thống Việt Nam cộng hòa biết việc Mỹ không thể sử dụng không quân yểm trợ cho quân đội Sài Gòn tái chiếm Phước Long. Tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho tuyên bố Mỹ không có hành động nào ngoài việc viện trợ bổ sung cho Sài Gòn và sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu xét thấy không phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng tuyên bố trong một cuộc họp nội các ngay khi Phước Long chưa thất thủ là quân đội Sài Gòn sẽ không tăng viện cho Phước Long hay cố gắng lấy lại tỉnh này nếu rơi vào tay Việt cộng.


Như vậy là “đòn trinh sát chiến lược” đã cho ra đáp số đúng với nhận định của Đảng ta: Mỹ không còn khả năng quay trở lại. Nhận định này là cơ sở rất quan trọng để Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.


Về việc xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, ngay từ tháng 8/1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã giao Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chiến lược. Kế hoạch này đã được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, quân đội góp ý, bổ sung tới 8 lần để có bản kế hoạch hoàn chỉnh trình cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng vào cuối tháng 12/1974 đầu tháng 1/1975 thông qua, nhằm đạt được yêu cầu: tạo ra sức mạnh tổng hợp, kết hợp quân sự với chính trị, khởi nghĩa với chiến tranh, phối hợp ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, tiêu diệt địch để làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy, đánh thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất là Sài Gòn, để kết thúc chiến tranh.


Quyết tâm của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm 1975 - 1976: năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công rộng khắp tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bên cạnh kế hoạch hai năm, Bộ chính trị còn dự kiến một kế hoạch khác: nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra thuận lợi, Đảng ta đã nhanh chóng chỉ đạo chuyển sang thực hiện kế hoạch thời cơ và đã giành toàn thắng trong thời gian chưa đầy 60 ngày.


Trí tuệ trong chỉ đạo thực hành


Điều đặc biệt đầu tiên cần nói đến là việc chọn hướng tiến công và mục tiêu tiến công mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Việc chọn địa bàn chiến lược Tây Nguyên và đánh trận mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột là sự thể hiện rõ nhất trí tuệ của tập thể lãnh đạo Việt Nam trong điều hành chiến tranh trong giai đoạn cuối có tính quyết định. Ta đã giữ được bí mật, bất ngờ đến phút cuối cùng, đã tập trung được một lực lượng quân sự lớn, áp đảo đánh vào nơi kẻ địch không ngờ tới. Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột đã gây choáng váng cho chính quyền Sài Gòn, làm rung động toàn bộ thế bố trí chiến lược của chúng, khiến kẻ thù lại phạm tiếp một sai lầm chiến lược là rút chạy khỏi Tây Nguyên, mở ra cho quân và dân ta thời cơ lớn, thuận lợi để thực hiện tổng tiến công và nổi dậy.


Sau khi chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, Bộ thống soái của ta đã có chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế chiến trường là vừa tiến hành truy kích quân địch rút chạy, vừa thực hiện chia cắt chiến lược thế bố trí của địch bằng cách mở liên tiếp hai chiến dịch tiến công giải phóng Huế và chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng, đẩy lùi và cô lập kẻ thù về phía Nam.


Bộ Chính trị chỉ đạo các cánh quân: phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, phải tiến công lúc địch hoang mang, suy sụp, phải tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc; kết hợp tiến công với nổi dậy, nổi dậy của quần chúng nhân dân với tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang.


Để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Đảng ta đã tập trung cao độ sự lãnh đạo bằng việc cử 3 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham gia chỉ đạo chiến dịch. Đây là sự tập trung trí tuệ chỉ đạo trực tiếp trên chiến trường. Đồng thời, Bộ thống soái cũng quyết định tập trung toàn bộ lực lượng quân sự có thể huy động được cho chiến dịch cuối cùng mang tính quyết định này, đồng thời tiến công Sài Gòn - Gia Định từ 5 hướng nhằm tạo thế áp đảo kẻ thù, giành thắng lợi to lớn nhất, trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, một lực lượng quân chủng Hải quân, Đặc công đã được sớm điều động ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm giành thắng lợi toàn diện, triệt để, tránh những phức tạp nảy sinh trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những điểm không thuận lợi. Các lực lượng vũ trang ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã phối hợp giải phóng khu vực này cùng thời gian.


Trí tuệ thể hiện trong phối hợp


Trí tuệ Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 còn thể hiện rõ trong việc phối hợp giữa tiến công và nổi dậy, giữa tiến công quân sự và giải quyết vấn đề chính trị - chính quyền trong những ngày cuối cùng của chiến tranh; giữa giành thắng lợi mau chóng, triệt để với giữ gìn được gần như nguyên vẹn các khu vực nông thôn và thành thị vốn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, hạn chế tổn thất máu xương của nhân dân và của cả hai bên tham chiến.


Điều này được thể hiện trong suốt quá trình Bộ thống soái lãnh đạo, chỉ đạo một cách đúng đắn, sáng tạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy; được các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các địa phương thực hiện nghiêm túc nhưng mềm dẻo, có hiệu quả. Ta đã giải phóng và tiếp quản hầu như nguyên vẹn toàn bộ cơ sở vật chất quân sự, kinh tế, hạ tầng cơ sở của chế độ Sài Gòn, đã thực hiện đánh chiếm và lật đổ các cấp chính quyền địch, đặc biệt là chính phủ và quân đội Việt Nam cộng hòa, một cách ít đổ máu nhất.


Thắng lợi trọn vẹn, to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện và minh chứng rõ rệt nhất Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

PGS.TSNguyễn Mạnh Hà


Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện LSQS Việt Nam

Phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về giai đoạn 1930-1975

Ngày 18/12/2012, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ và phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm có giá trị nghệ thuật về giai đoạn 1930-1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN