Việc tuyển chọn dựa trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và công tâm đã mang lại nhiều cơ hội và động lực cho đội ngũ cán bộ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và các cấp chính quyền.
Thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Buổi bảo vệ chương trình hành động phát triển địa phương của các ứng viên tham gia dự tuyển chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn diễn ra trong không gian mở. Ngoài sự tham gia và đặt câu hỏi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, dự buổi tuyển chọn còn có đại diện các Ban Đảng Trung ương, đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy hai huyện Lắk và Buôn Đôn cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Đặc biệt, các buổi bảo vệ chương trình hành động phát triển địa phương của các ứng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ghi hình, ghi âm lại để lưu lại và có thể xem lại việc đánh giá ứng viên có đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ hay không.
Tham gia ứng tuyển cho chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có 9 ứng viên; trong đó 5 ứng viên tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư huyện ủy Lắk, 4 ứng viên tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn. Mỗi ứng viên có 30 phút trình bày chương trình hành động phát triển địa phương, sau đó có 30 phút để trả lời các câu hỏi chất vấn về chương trình hành động cũng như xử lý tình huống do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đưa ra. Việc bốc thăm 3 thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đặt câu hỏi cho mỗi ứng viên là mang tính ngẫu nhiên, do chính ứng viên bốc thăm.
Sau khi ứng viên cuối cùng trình bày, ở mỗi chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk hoặc Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức thảo luận, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng ứng viên và cho kết quả đánh giá ngay. Việc đánh giá ứng viên có quy định cụ thể, chặt chẽ, không để xảy tình trạng ưu ái hay hạ thấp cá nhân. Ở thang kết quả đánh giá 100, trường hợp thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với kết quả trung bình cộng của tập thể Ban Thường vụ thì loại ra, kết quả của ứng viên được tính theo kết quả trung bình của các thành viên Ban Thường vụ còn lại. Sau khi 9 ứng viên bảo vệ chương trình hành động và đã có kết quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức công bố ngay, một cách nhanh gọn, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nhấn mạnh, thông qua việc trình bày chương trình hành động phát triển địa phương và trả lời chất vấn, xử lý tình huống của các ứng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định được đồng chí nào khá hơn đồng chí nào. Nguyên do là hồ sơ và quá trình công tác cũng như phẩm chất đạo đức của đồng chí nào cũng được đánh giá rất tốt. Vì vậy, việc trình bày chương trình hành động nếu được làm Bí thư Huyện ủy thì làm những gì và thông qua phần xử lý tình huống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể đánh giá được năng lực, tính nhạy bén giữa các ứng viên.
Là đảng viên 53 tuổi đảng, ông Trần Trọng Khương, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, việc tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn được tổ chức thành công, sẽ là tiền đề để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk có kinh nghiệm hơn trong việc tổ chức tuyển chọn các chức danh khác.
Theo nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh, chủ trương tuyển chọn chức danh Bí thư cấp huyện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk là đúng đắn. Làm như trước đây, cách làm không khách quan, không trung thực vì liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và thực tế là đã có tình trạng tham nhũng về quyền lực, về chính trị và tham nhũng do sự thân quen khiến cán bộ, nhân dân bất bình. Làm tốt việc tuyển chọn sẽ khắc phục được một số tình trạng như trước đây là do sự thân quen, do lợi ích nhóm, do tư tưởng cục bộ hoặc vì lợi ích nào đó mà đã đề bạt những người không xứng đáng vào một vị trí nào đó.
Kết quả sau kỳ tuyển chọn
Tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, 9 ứng viên đã có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu địa bàn. Mỗi ứng viên đã xây dựng chương trình hành động phát triển địa phương riêng của mình. Nhìn chung, các ứng viên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng, thể hiện sự đầu tư, tâm huyết và trăn trở cho bức tranh chung về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Nhiều giải pháp được các ứng viên đề xuất mang tính khả thi cao, có thể thực hiện được ngay.
Như ứng viên Nguyễn Thị Thu An, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề xuất, để phát triển huyện Lắk, có thể tập trung vào ba trụ cột là phát triển du lịch, gìn giữ và phát huy giá trị của rừng, giảm nghèo và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các giải pháp đưa ra là: Xây dựng chương trình xúc tiến du lịch riêng của huyện, xây dựng các buôn văn hóa có chất lượng, phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động trải nghiệm, phát triển và khôi phục các ngành nghề truyền thống, sử dụng voi trong du lịch; kêu gọi các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, giải quyết dứt điểm nhu cầu đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả hai chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…
Trong số 9 ứng viên tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, có 7 ứng viên là phó giám đốc các sở, ngành và phó bí thư huyện ủy các huyện, thành phố, hai ứng viên là hiệu trưởng hai trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc chuẩn bị và trình bày chương trình hành động, tham gia tuyển chọn, các ứng viên đã thể hiện được tính nhạy bén việc qua việc xử lý các tình huống mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đưa ra. Nhiều tình huống cụ thể như: Nếu là Bí thư Huyện ủy thì sẽ xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý một vụ cháy rừng và xử lý một vụ gây rối an ninh trật tự trên địa bàn như thế nào. Ngoài ra, các ứng viên cũng đã hình dung rõ hơn được vai trò của Bí thư Huyện ủy thông qua các câu hỏi chất vấn như giải pháp nào là khâu đột phá để đưa huyện phát triển, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn, 3 thẩm quyền và 4 trách nhiệm của Bí thư Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy sẽ thực hiện những cộng việc gì để triển khai Nghị quyết mới…
Ứng viên Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk khẳng định, Thường trực Tỉnh ủy đã làm tất cả các khâu, các bước theo đúng quy định để chọn ra 5 ứng viên ứng tuyển Bí thư Huyện ủy Lắk. 5 ứng viên được trình bày chương trình hành động trong không khí cởi mở, thoải mái. Có thể nói, kỳ tuyển chọn là dịp để sát hạch, bản thân mỗi ứng viên có thêm những kiến thức, kỹ năng và động lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân hơn, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn cũng như trong chỉ đạo điều hành công việc sau này.
Ngoài ra, việc tuyển chọn đã tạo điều kiện để ứng viên sau khi trúng tuyển và bổ nhiệm có thể thực hiện ngay công việc của mình, triển khai ngay chương trình hành động đã xây dựng thay vì phải mất một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu địa bàn như cách điều động, luân chuyển cán bộ trước đây. Hơn nữa, chương trình hành động mà cụ thể là các giải pháp ứng viên đưa ra đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy góp ý, như vậy sẽ giúp ứng viên vững tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, điều hành phát triển địa phương.
Tân Bí thư Huyện Lắk (Đắk Lắk) Võ Ngọc Tuyên chia sẻ, qua việc tuyển chọn và được bổ nhiệm theo quy trình ba bước, ông Tuyên rất tự hào và vinh dự được thể hiện trình độ và năng lực của mình đã tích lũy nhiều năm để phát triển huyện Lắk. Huyện Lắk là địa phương nghèo của tỉnh với nhiều điều kiện còn khó khăn, trên 55% hộ dân là hộ nghèo và cận nghèo, 72% xã là xã vùng ba, vùng sâu. Với nỗ lực của bản thân, tân Bí thư Huyện ủy Lắk khẳng định sẽ biến những áp lực thành động lực để xây dựng và phát triển huyện Lắk ngày càng giàu mạnh, với mục tiêu trước mắt là ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, thông qua việc tuyển chọn và trình bày chương trình hành động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá thực chất hơn đội ngũ cán bộ của mình và dự phòng được nguồn cán bộ cho tình huống cán bộ khác. Hơn nữa, thông qua việc tuyển chọn, Thường trực Tỉnh ủy sẽ thấy được đội ngũ cán bộ mạnh điểm gì, cần những gì và nên bổ sung gì. Ví dụ như cán bộ người dân tộc thiểu số thì kỹ năng nói trước công chúng còn hạn chế, như vậy sau này trong đào tạo, tập huấn, Thường trực Tỉnh ủy sẽ chú trọng bồi dưỡng kỹ năng này cho đội ngũ cán bộ thông qua các lớp tập huấn, câu lạc bộ… Bên cạnh đó, thông qua việc tuyển chọn, từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn về địa bàn, mà trước đây có thể vì công việc nhiều nên chưa am hiểu sâu sắc, từ đó có những kiến thức tiếp thu cho riêng mình để chỉ đạo sát sao hơn để đáp ứng cho sự phát triển của địa phương ấy; đồng thời chắt lọc được các giải pháp hay, khâu đột phá để chỉ đạo huyện thực hiện.
Việc tuyển chọn Bí thư cấp huyện ở Đắk Lắk có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ, vừa là giải pháp chống chạy chức chạy quyền vừa mang tính nhân văn trong sử dụng người tài, tạo cơ hội để cán bộ cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Bước đột phá, đổi mới trong tuyển chọn cán bộ ban đầu này đã từng bước tạo dựng được niềm tin của nhân dân trên địa bàn về một đội ngũ cán bộ có năng lực, có phẩm chất, đủ uy tín và đạo đức để xây dựng và phát triển Đắk Lắk ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên.