Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương với Đoàn công tác. Đặc biệt, công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Đắk Lắk giàu tiềm năng và đa dạng màu sắc văn hóa đến đông đảo bạn bè quốc tế. Bước đầu đã có những phản hồi tích cực từ phía các đối tác như Anh, Nga, Australia... Giao lưu, quan hệ quốc tế cấp địa phương ngày càng mở rộng, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế.
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk có 73,4 km đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đi qua địa bàn 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Chính quyền cấp tỉnh và các huyện biên giới hai tỉnh đã duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong thời gian qua. Hiện có 3 dự án do các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư tại Campuchia. Từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia của tỉnh đạt 5,055 triệu USD với hai mặt hàng là cà phê nhân và thép.
Để làm tốt công tác đối ngoại, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Bộ Ngoại giao, Trung ương tiếp tục thúc đẩy đàm phán với nước bạn Campuchia sớm thống nhất hoàn thành công tác phân giới cắm mốc; sớm cho chủ trương kè bờ bảo vệ các cột mốc có nguy cơ sạt lở cao như đã báo cáo tại Công văn số 26/CV-BCĐ PGCM của Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh ngày 4/5/2019. Tỉnh đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh sớm khai thông cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết. Việc khai thông cửa khẩu này cũng phù hợp với nhu cầu của hai tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), tạo điều kiện thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế khu vực biên giới và tăng cường đoàn kết hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh của hai nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bùi Văn Cường cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ tỉnh mở rộng hợp tác cấp địa phương với các địa phương của các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á; thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, xuất khẩu lao động. Bộ hỗ trợ địa phương trong việc tiếp cận với các tập đoàn, công ty của nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực chế biến nông sản và bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao; chăn nuôi quy mô lớn gắn với chế biến thực phẩm; xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn; hạ tầng du lịch…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao những thành quả đạt được của tỉnh Đắk Lắk trong công tác đối ngoại, đặc biệt tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực, thắt chặt tình đoàn kết với nhân dân và chính quyền tỉnh Mondulkiri (Campuchia).
Đồng chí Lê Hoài Trung cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đến công tác đối ngoại, đổi mới nội dung thông tin đối ngoại, chủ động phối hợp, tiếp cận, trao đổi, cung cấp thông tin cho các Đoàn công tác lãnh đạo Việt Nam tại nước ngoài và các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến thăm, làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hội nhập sâu rộng, cũng như quản lý, thực hiện tốt quy định luật pháp quốc tế, nhất là vùng biên giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đồng tình với những đề xuất của tỉnh Đắk Lắk nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ tích cực, phối hợp với tỉnh Đắk Lắk trong việc kết nối, gặp gỡ với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã báo cáo với cán bộ chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về tình hình đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tình hình biên giới trên bộ và trên biển.