Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp về cán bộ; trong đó đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ quản lý các cấp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho hiện tại và lâu dài.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, nhất là thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí chức danh chủ chốt không phải là người địa phương; kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, khắc phục tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển, gắn với đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, nhất là công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu công tác cán bộ, quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Các cấp, các ngành quan tâm đổi mới công tác tạo nguồn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó chú trọng đào tạo kế cận, kế thừa; thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và ban lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính thực chất và khả thi.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 được tỉnh thực hiện theo phương châm “mở” và “động”, mỗi chức danh quy hoạch từ 2 đến 4 người, có người được quy hoạch 2 đến 3 chức danh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xem xét giới thiệu những người ngoài ngành, ngoài địa phương vào nguồn quy hoạch cán bộ của cơ quan đơn vị mình.
Chất lượng nguồn quy hoạch từng bước được nâng lên, hầu hết đều có trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị tương ứng với chức danh quy hoạch. Theo đó, 100% nguồn quy hoạch cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ đại học chuyên môn trở lên (tăng 2,42% so với nhiệm kỳ 2015-2020), 36,91% có trình độ sau đại học (tăng 24,92% so với nhiệm kỳ 2015-2020); 75,25% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị (tăng 8,74% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau quy hoạch được tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 785 đồng chí được đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 1.528 lượt đồng chí được đào tạo về chuyên môn. Công tác đánh giá cán bộ được đổi mới theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều; theo tiêu chí, thang điểm cụ thể đối với từng nhóm chức danh; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn công tác, chưa gắn với quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ. Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đảm bảo cơ cấu ba độ tuổi, nhất là cán bộ trẻ, nữ ở cơ sở. Quy hoạch cán bộ chưa có sự liên thông giữa cấp trên với cấp dưới, ngành với ngành, địa phương với địa phương. Từ đó chất lượng, cơ cấu quy hoạch cán bộ chưa có sự đồng đều giữa các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Một số cán bộ được quy hoạch nhưng qua thực tiễn chưa thể hiện được phẩm chất, năng lực, uy tín; có trường hợp trong quá trình công tác có vi phạm, khuyết điểm, bị xử lý.